Sáng 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với chính quyền tỉnh Gia Lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tháo gỡ vướng mắc cho Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên đã báo báo đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh năm 2021 tăng hơn 9,7% so với năm 2020. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 theo giá hiện hành đạt hơn 49.600 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 557.685 ha, đạt 101,32% so với kế hoạch. Toàn tỉnh có 352 công trình thủy lợi kiên cố với tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411ha cây trồng. Năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Chăn nuôi trên địa bàn chuyển biến tích cực; trên địa bàn tỉnh hiện có 184 dự án chăn nuôi đang được các nhà đầu tư quan tâm với tổng vốn đầu tư hơn 29.400 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.881 tỷ đồng, đạt 173,1% dự toán Trung ương giao, đạt 156,2% Nghị quyết đề ra, tăng 72% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề xuất với Trung ương, Chính phủ tháo gỡ vướng mắc tại công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông). Theo thiết kế đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt thì diện tích vùng tưới của công trình là 12.500ha, riêng địa bàn tỉnh Gia Lai 8.500 ha. Tuy nhiên, qua thời gian dài thực hiện, nhiều Bộ luật, Nghị định và các chính sách thay đổi, tính đến thời điểm này có 4.757,52ha rừng tự nhiên cần phải chuyển đổi.
Tỉnh Gia Lai đã rà soát, điều chỉnh lại 3 loại rừng, trong đó đưa toàn bộ diện tích vùng tưới ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp làm căn cứ để chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Do đó, đề nghị Trung ương, Chính phủ cho phép tỉnh áp dụng quy định dự án đang triển khai nhưng phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia theo quy định của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia: “Người quyết định đầu tư (Bộ NN-PTNT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới về tình hình triển khai dự án”.
UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có Tờ trình gửi Bộ NN-PTNT về việc đề xuất dự án Công trình thủy lợi Ia Mơr giai đoạn 3 nhằm sắp xếp ổn định dân cư vùng biên giới và xây dựng hệ thống kênh có phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng mà Gia Lai cũng cần Trung ương, Chính phủ tháo gỡ là dự án thực hiện kế hoạch chuyển rừng nghèo sang trồng cao su của Chính phủ. Từ năm 2008 - 2011, tỉnh đã phê duyệt 44 dự án cho 16 đơn vị trồng cao su trên đất lâm nghiệp. Các doanh nghiệp đã khai hoang và trồng được hơn 25.000ha cao su. Đến năm 2017, diện tích cao su này có hiện tượng chết và kém phát triển.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.
UBND tỉnh đã báo cáo, Bộ NN-PTNT kiểm tra thực tế và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sang trồng các loại cây khác. Đến nay, ngoài diện tích 12.039ha đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cho phép chuyển đổi, diện tích cao su còn lại tiếp tục chết và kém phát triển.
Trước những đề nghị của tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, liên quan đến công trình thủy lợi Ia Mơr và chuyển đổi rừng cao su thì Bộ NN-PTNT đã cùng với Gia Lai khảo sát dự án liên quan tới rừng. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục hội ý và làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tìm cách giải quyết.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, dự thảo Luật Đất đai liên quan đến đất rừng cần cơ chế rõ ràng hơn. Nhìn rừng theo giá trị khác, khía cạnh khác, nếu chỉ nhìn ở khía cạnh đóng cửa rừng để bảo vệ nghiêm ngặt và những chế độ giữ rừng như hiện nay thì không ổn. Bảo tồn và phát triển rừng cần tạo ra sinh kế dưới tán rừng như du lịch, bảo tồn. Phát huy rừng cần phải đa chức năng, đa mục tiêu.
Đối với rừng Ia Mơr, Bộ NN-PTNT không thoái thác trách nhiệm mà phải cùng với Gia Lai đồng hành, tháo gỡ.
"Hơn 12 ngàn ha cao su đã thất bại rồi, giờ đề nghị chuyển sang cây trồng khác thì Bộ NN-PTNT thống nhất nhưng về trách nhiệm thì sẽ ngồi làm việc cụ thể hơn. Cao su đã không phát huy tác dụng, tuy nhiên khi chuyển đổi phải cân nhắc những mô hình, cây trồng để đảm bảo thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất ấn tượng với tiềm năng của tỉnh Gia Lai khi hội tụ 3 yếu tố con người, đất đai, truyền thống lịch sử văn hóa. Với các yếu tố này thì có thể quyết định đến vấn đề phát triển kinh tế của địa phương.
Theo Thủ tướng, Gia Lai có tiềm năng, giờ chỉ cần thêm động lực để hiện thức hóa vấn đề này. Muốn vậy, cần phải thu hút nguồn lực bên ngoài để tạo đà phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trăn trở khi Gia Lai chưa phát triển đúng với tiềm năng bởi cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Ngoài ra, hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang còn bất cập. Gia Lai có Quốc lộ 19 nối với các tỉnh miền Trung nhưng đường quá nhỏ hẹp chưa đáp ứng nhu cầu.
Trong thời gian qua, các Bộ, ngành Trung ương có quan tâm nhưng chưa đúng mức để hỗ trợ Gia Lai phát triển.
Liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc công trình thủy lợi Ia Mơr, Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì nghiên cứu, để xuất những cơ chế chính sách. Đối với công trình nào mà ảnh hưởng đến chương trình an ninh lương thực quốc gia phải có cơ chế chính sách khác so với các địa phương. Cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết, lớn hơn thì Quốc hội giải quyết.
Liên quan đến việc chuyển đổi gần 13 nghìn ha rừng cao su kém phát triển, Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại hiểu quả trên đất đối với diện tích này, kết hợp với bảo vệ rừng và chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở những đánh giá, phân tích và đề xuất, Chính phủ sẽ xem xét giải quyết, xử lý.