Dù đã tăng tới mức kỷ lục hơn 30.600 đồng/lít, giá xăng vẫn được dự báo tiếp tục tăng tại kỳ điều hành ngày mai (1/6).
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 30/5 là 149,94 USD/thùng đối với xăng RON 92 và 158,12 USD/thùng đối với xăng RON 95, tiếp tục tăng so với chu kỳ trước.
Mức giá này tăng từ 5,4-5,8% so với giá xăng bình quân trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành trước (ngày 23/5).
Như vậy, giá xăng dầu khó có thể giảm trong kỳ điều hành ngày mai (1/6).
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Nội dự báo, giá xăng ngày mai có thể vượt xa mốc 31.000 đồng/lít nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG).
Còn trường hợp chi quỹ và không tiếp tục trích lập quỹ thì mức giá xăng dầu cũng phải tăng từ 300 đồng - 700 đồng do số dư Quỹ Bình ổn vẫn rất ít ỏi.
Giá dầu thô Brent trong tuần qua đã tăng tới 6%, chạm mức cao nhất 2 tháng qua và giá dầu thô WTI tăng 1,5%. Do đó, kỳ điều hành này giá xăng và dầu chắc chắn sẽ điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp.
Giá xăng dầu thế giới dự báo tiếp tục tăng, giờ chỉ khi được giảm thuế giá xăng dầu mới có thể hạ nhiệt, vị này phân tích.
Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 23/5, giá xăng đã vượt mốc 30.000 đồng/lít.
Cụ thể, xăng RON 92 tăng 680 đồng/lít, giá bán là 29.633 đồng/lít.
Xăng RON95 tăng 670 đồng/lít, giá bán là 30.657 đồng/lít.
Dầu diesel giảm 1.100 đồng/lít, giá bán là 25.553 đồng/lít.
Dầu hoả giảm 760 đồng/lít, giá bán là 24.405 đồng/lít.
Dầu mazut giảm 970 đồng/lít, giá bán là 20.598 đồng/lít.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính, giá xăng dầu của mỗi quốc gia phụ thuộc vào 2 yếu tố chính, giá thế giới và thuế, phí.
Trong 4 loại thuế mà mặt hàng xăng dầu đang phải chịu gồm có thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu, đã có thuế bảo vệ môi trường giảm 50% từ 1/4, tuy nhiên để kiểm soát tốt lạm phát, mức giảm này là chưa thấm vào đâu.
"Bối cảnh hiện nay là một điều kiện bất khả kháng mà buộc chúng ta phải xem xét và lựa chọn. Song theo tôi, để kiểm soát tốt lạm phát, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân thì cần xem xét để giảm thuế, trong đó tập trung vào thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Long kiến nghị.
Với thuế tiêu thụ đặc biệt, các mặt hàng chịu thuế này đều là hàng xa xỉ hay gây tác động với môi trường,... Trước đây, mặt hàng xăng dầu tuy là một mặt hàng thiết yếu nhưng được làm từ nguồn nguyên liệu khoáng thạch, hữu hạn nên chịu sắc thuế này nhưng hiện nay nguyên liệu làm xăng dầu đã có cả sinh học và năng lượng tái tạo nên áp thuế là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu hiện đã tăng quá cao gây tác động rất lớn đến người dân và doanh nghiệp khi nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến giá bán đầu ra của hàng hoá cũng tăng theo.
Trên thực tế, thu ngân sách trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng nhưng người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn thì liệu có phù hợp. Ngoài ra, trong chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 thì còn nhiều mặt hàng khác sẽ bù đắp phần hụt thu ngân sách nếu giảm thuế cho xăng dầu, TS. Long phân tích.