5 dự án giao thông lớn được đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư gồm: dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TP. HCM, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Đóng góp ý kiến vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị TP. HCM, đẩy mạnh thi công sân bay Long Thành, Điện Biên.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị sớm đưa vào vận hành các cảng biển Cà Ná, Chu Lai, Trần Đề, đồng thời tiếp tục có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa để đến năm 2030 đạt được 5.000km đường cao tốc.
Đáng chú ý, đại biểu Tô Ái Vang bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TP. HCM, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
“Vì việc đầu tư các dự án trên là hết sức cấp thiết, đáp ứng mong đợi của cử tri ở các địa phương. Trong đó, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 nhằm phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển”, nữ đại biểu nhấn mạnh.
5 dự án giao thông quan trọng quốc gia
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 58,2km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7 tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP; được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng...
Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34km; bao gồm: TP. HCM (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km). Tổng diện tích đất của dự án khoảng 642,7ha. Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 31.380 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương. Tiến độ thực hiện từ năm 2022 đến 2027.
Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tổng vốn đầu tư hơn 44.000 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô 4 làn xe, chiều dài khoảng 117,5km; trong đó, đoạn qua Khánh Hòa khoảng 32,7km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8km. Toàn tuyến dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm, gồm: hầm Phượng Hoàng dài khoảng 2.100 m, hầm Ea Trang khoảng 700 m và hầm Chư Te khoảng 700 m. Dự án được đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng; dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) có chiều dài 53,7 km, đi qua địa bàn Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai) và điểm cuối tại đường giao với quốc lộ 56 (Bà Rịa-Vũng Tàu). Dự án được đề xuất khởi công trong năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng.