Hiện Bộ Công Thương đang yêu cầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để có cam kết rõ ràng về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước trong quý III và cả năm 2022 (báo cáo Bộ Công Thương trong quý II) để có kịch bản điều hành và chỉ đạo nhập khẩu.
Trong báo cáo mới nhất về nguồn cung xăng dầu trong nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương cho biết nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng 1 và tháng 02 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%) và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Lọc dầu Nghi Sơn gặp vấn đề về tài chính đã ảnh hưởng tới việc cung ứng xăng dầu trong thời gian qua.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Trước tình hình trên, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Theo Bộ Công Thương, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3, dự kiến nhu cầu mỗi quý khoảng 5,2 triệu m3. Trong quý II, dự kiến nguồn cung khoảng 7,2 triệu m3 (gồm sản xuất trong nước là 3,2 triệu m3, nhập khẩu khoảng 2,5 triệu m3, tồn kho quý trước chuyển sang là 1,5 triệu m3). Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 2 triệu m3.
Tuy nhiên, trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phải thực hiện cam kết bao tiêu và bù lỗ (nếu có) tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn – đã ban hành nghị quyết phê duyệt cơ chế thanh toán sớm (FPOA) đến hết tháng 5 cho Nghi Sơn để Nghi Sơn đủ điều kiện hoạt động ổn định đến cuối quý II/2022.
Vì vậy, Bộ Công Thương đang yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc tiếp với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để có cam kết rõ ràng về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước trong quý III và cả năm 2022 (báo cáo Bộ Công Thương trong quý II). Từ đó có kịch bản điều hành và chỉ đạo nhập khẩu (bổ sung giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu) thay thế nguồn trong nước bị sụt giảm do sản xuất không ổn định nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trong khi nguồn cung xăng dầu đối mặt với nhiều khó khăn, giá xăng dầu thời gian cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Tại kỳ điều hành mới nhất (ngày 1/6), Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp đối với mặt hàng xăng, theo đó mỗi lít xăng E5RON92 đắt hơn 600 đồng/lít, lên mức 30.230 đồng/lít; xăng RON 95 đắt hơn 920 đồng/lít, lên mức 31.570 đồng/lít - xô đổ kỷ lục 30.650 đồng/lít ở kỳ trước. Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng từ 310-940 đồng/lít/kg.
Thời gian tới nếu giá tiếp tục tăng cao, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG để điều hành bình ổn giá xăng dầu. Phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ khác như thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu như xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong cơ cấu giá xăng dầu.