Giá xăng tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục mới trong lịch sử, đặt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trước tình cảnh tiết giảm tối đa chi phí vẫn khó có lãi. Trong bối cảnh này, chính sách hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp giữ giá bán hàng hóa là rất quan trọng để bình ổn thị trường.
Chiều ngày 1/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp đối với mặt hàng xăng, theo đó mỗi lít xăng E5RON92 đắt hơn 600 đồng/lít, lên mức 30.230 đồng/lít; xăng RON 95 đắt hơn 920 đồng/lít, lên mức 31.570 đồng/lít - xô đổ kỷ lục 30.650 đồng/lít ở kỳ trước. Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng từ 310-940 đồng/lít/kg.
Doanh nghiệp than quá vất vả
Xăng dầu tăng giá tiếp tục là "cú đấm bồi" đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), khi mà "sức khỏe" đang trong giai đoạn phục hồi sau tác động bởi COVID-19. Chia sẻ về thách thức của các DN kinh doanh ngành hàng quế thời kỳ hậu COVID-19, đại diện Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà cho biết hiện nay DN đối mặt với thách thức thiếu hụt lao động khoảng 15-20% ở nhà máy chính và chi nhánh Yên Bái.
Diễn biến giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay.
Đáng lo ngại, giá cước vận tải biển tăng mạnh, giá cước container tàu đi Mỹ tăng 250-300%, EU tăng 500-600%, các tuyến nội Á tăng 8-10 lần so với năm 2020. Trong khi đó, cươc vận chuyển nội địa tăng khoảng 20% do xăng dầu tăng, phí nâng hạ tại cảng biển tăng, các tác động cộng hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, DN vẫn đang đối mặt với tình cảnh thiết hụt vỏ container ảnh hưởng lớn tới công suất hoạt động của kho bãi. Một số lô hàng bán FOB phải chờ từ 2-4 tuần.
Ông Đoàn Thế Xuyên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên (Quảng Ninh) cho biết, ở thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, 200 đầu xe của DN phải "đắp chiếu". Nay, phần lớn tuyến vận tải hành khách của DN đã hoạt động trở lại nhưng ông Xuyên vẫn phải bận tâm với nhiều mối lo.
"Giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây sẽ khiến DN đứng trước bài toán không chạy thì lỗ ít, mà chạy có khi lỗ nhiều hơn. Giá xăng tăng cao, chi phí vận hành đắt đỏ, trong khi hành khách không có khiến tôi rất lo", ông Xuyên chia sẻ.
Không chỉ DN sản xuất, vận tải lo lắng mà chính các DN bán lẻ, phân phối xăng dầu cũng đang đứng trước nguy cơ càng bán nhiều càng lỗ. Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Tự Lực I (TP.Hà Nội), cho hay khi giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, DN không bán được hàng vẫn phải "nuôi" cả hệ thống, giờ bán được hàng rồi thì lại đứng trước nguy cơ thua lỗ, do chiết khấu thấp, càng bán nhiều thì càng lỗ nhiều.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu phục hồi trở lại nhưng DN phân phối không có lãi. Chúng tôi đang phải nhận chiết khấu xăng dầu là 0 đồng/lít. "Cách đây mấy tháng, sau khi điều chỉnh, chiết khấu tăng lên được mấy trăm đồng/lít, giờ lại quay về mức 0 đồng. Đúng là kinh doanh xăng dầu vất vả quá, giá vốn thì cao, nhưng lợi nhuận chẳng có", ông Tiu tâm sự.
Hai biến số giá xăng dầu và lương thực
Tại Nghị trường Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/6, vấn đề áp lực chi phí của DN trong bối cảnh giá xăng dầu "leo thang", chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ cũng được nhiều đại biểu đề cập.
Doanh nghiệp gồng mình trước áp lực chi phí đầu vào gia tăng.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) dẫn thông tin từ Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy tình hình phát triển kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng tích cực trên nhiều lĩnh vực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tiếp tục tăng 8,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7%.
Đây là năm thứ 8 tiếp tục kiểm soát lạm phát được dưới 4%. Nhờ vậy, ngày 26/5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+ với mức triển vọng ổn định, ghi nhận sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu Ngân cho rằng tình hình kinh doanh của các DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa đang gặp nhiều thách thức. Đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao.
Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tác động không thuận lợi cho quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài cùng với các chính sách cấm vận đối với Nga từ các nước Hoa Kỳ, châu Âu đã làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia.
Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng GDP 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022, đại biểu Ngân kiến nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực. "Trước mắt cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu", đại biểu Ngân đề xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho DN, giúp DN giữ giá bán hàng hóa, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài, khi giá cả thế giới tăng thì bị ảnh hưởng ngay. Hiện, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay, việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm... tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Vì vậy, đại biểu Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp.
Đại biểu Trần Anh Tuấn
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM
Chính sách ổn định giá cả trong thời gian tới cũng cần được thiết kế theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế, nhất là thuế suất nhập khẩu đối với nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
TS. Ngô Trí Long
Chuyên gia kinh tế
Để "hạ nhiệt" giá xăng dầu có thể cân nhắc các công cụ thuế như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, giảm thêm thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu là hai van khả thi nhất giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, dù chọn sắc thuế nào, giảm hay không giảm vẫn là bài toán đánh đổi với cơ quan quản lý. Lựa chọn giữa hạ thuế, "giảm đau" cho người dân, doanh nghiệp hay đảm bảo tăng trưởng nguồn thu cho ngân sách nhà nước không phải là câu chuyện đơn giản.
TS. Cấn Văn Lực
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Việc giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động rất lớn tới chỉ số lạm phát năm nay. Dự báo lạm phát sẽ tăng từ 3,8-4,2%. Qua tiếp xúc với các DN, tôi được biết biên lợi nhuận của các DN sẽ bị thu hẹp do giá bán hàng không tăng tương ứng với chi phí đầu vào. Vì vậy, DN cần phải cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất, đa dạng thị trường để phân tán rủi ro và giảm bớt thiệt hại.