Nhằm đáp ứng nhu cầu cho du khách và chuyên gia, doanh nhân nước ngoài đầu tư tại địa phương, nhiều tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sống Cửu Long (ĐBSCL) đã quy hoạch và đang mời gọi đầu tư nhiều dự án sân golf.
Phối cảnh dự án phức hợp, sân golf Bạc Liêu do nhà đầu tư đề xuất.
Địa phương nào cũng muốn có sân golf
UBND tỉnh An Giang vừa ban hành danh mục 30 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư trong năm 2022, trong đó có dự án khu du lịch Hồ Tà Lọt kết hợp sân Golf, quy mô 120 ha, dự án này nằm ngay triền núi Cấm - ngọn núi cao nhất trong dãi Thất Sơn thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên.
Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng, địa phương này cũng kêu gọi đầu tư dự án sân golf tại xã Long Phụng, huyện Long Phú với quy mô 90ha.
Vào khoảng giữa tháng 3/2022, Tập đoàn FLC cũng đã thông tin cho nhiều cơ quan truyền thông biết trong tháng 4/2022, doanh nghiệp này sẽ khởi công dự án khu phức hợp FLC Mega City Bạc Liêu tại TP. Bạc Liêu với quy mô giai đoạn 1 lên đến trên 400ha, trong đó dành 80ha để xây dựng sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, theo xác nhận của địa phương thì cho đến nay dự án này vẫn chưa được khởi công xây dựng.
Ngoài 3 địa phương trên tại vùng ĐBSCL còn có nhiều địa phương khác cũng đã có quy hoạch mời gọi đầu tư sân golf như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ…
Khu đất xây dựng sân golf Cần Thơ do Công ty Cổ phần Vinpearl làm chủ đầu tư. Ảnh Quốc Tuấn
Nở rộ sân golf, nên hay không nên?
Trước đây, theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch sân golf, đến năm 2020, cả nước chỉ có 89 sân golf được đưa vào quy hoạch, trong đó khu vực ĐBSCL chỉ có 4 sân golf được đưa vào quy hoạch tại 3 địa phương là Long An, Tiền Giang và Cần Thơ.
Đến tháng 8/2019, Chính phủ đã ban hành danh mục 24 quy hoạch các ngành nghề hết hiệu lực theo Luật Quy hoạch, trong đó có Quyết định số 1946/QĐ-TTg về quy hoạch sân golf.
Ngày 27/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh sân golf. Theo đó, từ ngày 15/6/2020, việc kinh doanh sân golf trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Các địa phương có thẩm quyền xem xét tùy điều kiện thực tế và nhu cầu tại địa phương mà đề xuất quy hoạch dự án sân golf, lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mình.
Theo ý kiến phản hồi từ các địa phương, việc quản lý sân golf theo điều kiện kinh doanh sẽ đảm bảo vừa tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa có đầy đủ các công cụ quản lý nhà nước, qua đó có thể phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời tránh được việc "nơi cần không có, nơi có không cần", sử dụng đất kém hiệu quả, gây ra các hệ lụy và tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo nhận định của các chuyên gia, khách du lịch tham gia du lịch golf thường đến và quay lại nhiều lần, mức chi trả cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng cao hơn. Vì thế, phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được lượng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày đóng góp lớn cho du lịch địa phương.
Do sức hấp dẫn của phân khúc du lịch này mà địa phương nào cũng muốn có dự án sân golf "hoành tráng" nên "chạy đua" quy hoạch sân golf. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy "lạm phát sân golf" gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, nguồn lực đất đai của xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc bỏ quy hoạch sân golf là phù hợp với Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, khi cấp phép đầu tư sân golf thì các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng dưới góc độ lợi ích vùng và có tầm nhìn, tính toán hiệu quả trong dài hạn.
"Công tác quy hoạch 'sai một li, đi một dặm'. Có quy hoạch tốt rồi cũng chưa đủ mà phải xem xét lựa chọn đúng nhà đầu tư có đủ năng lực, có kinh nghiệm, triển khai dự án đúng tiến độ, đưa dự án vào khai thác, kinh doanh đúng cam kết thì dự án mới mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý.
Theo Nghị định số 52/2020/NĐ-CP: các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf gồm: đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp quy định; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiểm kê của UBND cấp tỉnh…
Diện tích sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90ha (bình quân không quá 5ha trên một lỗ golf); diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270ha (54 lỗ golf); mật độ xây dựng gộp của khu đất xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành; nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân golf trong thời hạn không quá 36 tháng (đối với sân golf 18 lỗ) hoặc không quá 48 tháng (đối với sân golf khác) kể từ ngày được quyết định cho thuê đất.