Mặc dù mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát những tháng cuối năm có thể tăng cao và tạo áp lực lên mục tiêu tăng trưởng GDP...
Báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy dấu hiệu tăng tốc của lạm phát trong quý 2/2022 khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,86% của tháng 5/2022 với xu hướng tăng được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành. Do đó, lạm phát cơ bản tháng 6/2022 cũng tăng lên 1,98% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 9/2020 trở lại đây.
Tuy CPI 6 tháng đầu năm được kiểm soát chặt chẽ ở mức 2,44%, thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra do bên cạnh các yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát (các sản phẩm xăng dầu như xăng, LPG... và vật liệu xây dựng), thì vẫn còn những yếu tố hỗ trợ kéo giảm lạm phát (như giá thực phẩm, học phí và giá viễn thông).
“Song áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng lớn khi vòng tác động của đà tăng xăng dầu tới giá cả hàng hóa trên thị trường rõ nét hơn”, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần nhanh chóng có chính sách để ổn định giá xăng dầu.
NHÌN TỪ NHÓM TÁC ĐỘNG
Xăng dầu là nhiên liệu quan trọng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, xăng dầu tăng cao đã trở thành một trong những yếu tố tác động mạnh và trực tiếp làm tăng lạm phát nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và cần nhiều nhiên liệu cho các hoạt động sản xuất.
Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, làm chậm quá trình mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động sản xuất nhiều ngành trực tiếp có thể bị ngưng trệ, đặc biệt là các ngành vận tải, khai thác thủy sản.
“Do vậy, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần có các chính sách để ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát ở mức cho phép”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Nhằm giảm bớt áp lực chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần kiểm soát lạm phát, từ ngày 1/4/2022, Việt Nam đã giảm cũng như đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu. Đây được xem là giải pháp cần thiết trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục “nhảy múa” trong những ngày qua.
Song có một thực tế là, hai sắc thuế này có dư địa giảm không nhiều do lượng xăng dầu nhập khẩu chỉ vào khoảng 25% tổng lượng tiêu dùng trong nước và thuế nhập khẩu cũng không cao (8%) do thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do. Vì vậy, trong tình huống cấp bách hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần tính tới việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, khác với thuế nhập khẩu (thuộc thầm quyền của Thủ tướng Chính phủ), thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), việc thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên cần nhiều thời gian và khó có thể áp dụng ngay trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn nên sẽ có độ trễ nhất định.
Theo đó, Tổng cục Thống kê cho rằng việc điều chỉnh các loại thuế cần được nghiên cứu kỹ và đưa ra các phương án kịp thời, hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài giá xăng dầu, sự tăng giá của nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất khi nguồn cung bị đứt gãy cũng ảnh hưởng tới lạm phát. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu, theo ông Lê Trung Hiếu, là rất lớn.
“Lạm phát sẽ chịu tác động của việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng và của cả vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới. Theo đó, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát”, ông Hiếu phân tích.
NHÌN TỪ NHÓM HỖ TRỢ
Bên cạnh các yếu tố tác động, lạm phát còn được “kìm cương” bởi những yếu tố hỗ trợ, đó là nhóm hàng lương thực, thực phẩm – nhóm có trọng số lớn trong rổ tính CPI.
Theo Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm luôn được đảm bảo. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên thời gian qua giá cả tương đối ổn định.
“Tuy nhiên, việc thế giới có nguy cơ đối diện với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ tạo áp lực lên tiêu dùng trong nước”, đại diện Tổng cục Thống kê nhận định.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng đang có xu hướng “nhảy múa”. Chỉ số giá nhóm thịt lợn tháng 6/2022 tăng 0,87% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng, theo đó thịt chế biến tăng 0,69%, trong đó thịt quay, giò chả tăng 0,67%; thịt hộp tăng 1,08%; thịt chế biến khác tăng 0,28%.
Nhóm hàng lương thực, thực phẩm có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, ông Lê Trung Hiếu cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung vào cả 2 nhóm yếu tố trên. “Trong đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần nhanh chóng có chính sách để ổn định giá xăng dầu”, ông Hiếu nhấn mạnh.
“Cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn”, ông Lê Trung Hiếu nêu quan điểm.
Theo đó, Tổng cục Thống kê đề xuất tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, nâng cao khả năng tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước. Cần rà soát, xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất, các nút thắt của các nhà máy lọc dầu để có chính sách quản lý hỗ trợ, tháo gỡ nút thắt cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Thứ hai, xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí xăng dầu phù hợp với thực tế sử dụng sản phẩm này ở Việt Nam. Hiện nay, xăng dầu đang phải chịu 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng.
“Có thể thấy xăng dầu đang phải chịu quá nhiều loại thuế, cần xem xét nó như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp, điều chỉnh một số loại thuế để tác động kích thích tích cực đến sản xuất trong nước”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nhiều quốc gia đã thực hiện giảm thuế như Hà Lan đã giảm 12% thuế VAT xuống còn 9%; giảm 21% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu đồng thời tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 EUR lên 800 EUR; Thái Lan giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng, sử dụng Quỹ dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 Baht/lít; Hàn Quốc giảm 20% thuế với xăng, dầu diesel và LPG.
Ở Việt Nam, lạm phát đang được kiểm soát, tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng dầu tăng cao sẽ gây ra hiệu ứng domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác.
“Do đó, cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Thứ ba, cần có phương án dự trữ, giải pháp và chiến lược “rất đặc biệt với mặt hàng xăng, dầu”, nhất là tăng dự trữ xăng, dầu quốc gia và làm tốt hơn dự báo để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung; tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng, dầu.
Riêng đối với nhóm lương thực, thực phẩm, Tổng cục Thống kê cho rằng cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả lương thực, thực phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Ngoài ra, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.
Đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, Tổng cục Thống kê cho rằng cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời chủ động các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý.