Đơn hàng tăng cao nhờ đón được luồng dịch chuyển từ Trung Quốc giúp doanh nghiệp dệt may, da giày có thêm đà hồi phục sau 2 năm kiệt quệ bởi đại dịch.
Tăng tốc sản xuất, đón cơ hội thị trường
Ngay từ đầu năm, hoạt động sản xuất tại các phân xưởng của Tổng Công ty May 10- CTCP (May 10) diễn ra hết sức sôi động. Vượt qua 2 năm liên tục trong trạng thái “đóng mở” để ứng phó với đại dịch Covid-19, các đơn vị của May 10 đều căng mình để kịp giao hàng theo hợp đồng đã ký kết.
Ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc May 10, cho biết: Lượng đặt hàng đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn hàng như veston và sơ mi có đơn hàng đến hết quý III/2022.
Nguyên do khiến sản xuất của May 10 cũng như nhiều doanh nghiệp may mặc khác khởi sắc là sức mua đối với lĩnh vực thời trang tại các thị trường nhập khẩu lớn, như châu Âu, Nhật Bản đặc biệt là Mỹ… được bung nén sau thời một gian dài chịu tác động của đại dịch.
Ông Vương Đức Anh- Chánh Văn phòng HĐQT-Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chia sẻ: Sau hơn hai năm bị hạn chế, người tiêu dùng Mỹ đã mạnh tay chi tiền để mua sắm, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc năm 2021 và quý I/2022 rất cao. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ đạt 7,58 tỷ USD, tăng 26,1%, tương ứng tăng 1,57 tỷ USD và đóng góp 57% vào trị giá tăng xuất khẩu nhóm hàng này.
Đơn hàng tăng cao, doanh nghiệp dệt may da giày tăng tốc sản xuất
Với tình hình khả quan trên, trong nửa đầu năm 2022, dệt may tiếp tục là ngành có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu. Ước kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, hàng may mặc đạt gần 7 tỷ USD, tăng hơn 19%, nhập khẩu toàn ngành ước đạt 13,44 tỷ USD. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,86 tỷ USD.
“Mục tiêu toàn ngành trong năm 2022 đạt 43 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 50%. Nếu tình hình được duy trì ổn định trong những tháng cuối năm, khả năng ngành dệt may đạt được mục tiêu là rất lớn”, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay.
Tương tự dệt may, ngành da giày trong nửa đầu năm vừa qua đã có nhiều tín hiệu tích cực. Dù nhiều thời điểm sản xuất bị gián đoạn do đứt nguồn cung nguyên liệu song nhiều doanh nghiệp cũng đã có đơn hàng tới hết quý III/2022.
“Tăng trưởng nửa đầu năm 2022 rất tốt, đơn hàng đổ về Việt Nam khá nhiều”, bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) nói. Riêng mặt hàng giày dép, 6 tháng đạt 11,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Có tiếng mà không có miếng
Đơn hàng nhiều là tín hiệu rất tích cực, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp đang vực dậy sản xuất song các chi phí đầu vào (logistics, nguyên phụ liệu, xăng dầu…) liên tục tăng đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh.
Ông Thân Đức Việt phản ánh: Chi phí tăng cao nhưng giá bán sản phẩm khó tăng, hoặc nếu tăng thì cũng không thể theo được tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào.
Ước tính sơ bộ của Vinatex, chi phí vận chuyển đường biển tăng khoảng 10-30% tuỳ từng tuyến đường, chi phí vận chuyển trong nước cũng được dự báo tăng khoảng 10%. Cùng đó, hiện tượng ùn nghẽn tại các cảng biển gia tăng do thiếu năng lực khai thác và nhu cầu vận chuyển tăng cao sau giai đoạn dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến tài chính của doanh nghiệp.
Ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin: Sản xuất của nhiều doanh nghiệp dệt may khá khả quan, đơn hàng đã được ký đến hết quý III/2022. Dù vậy, giá đơn hàng không tăng trong khi chi phí tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động của ngành.
Ông dự báo, tăng trưởng những tháng cuối năm có thể chậm lại, nguyên do, thị trường có nhiều biến động bởi xung đột Nga-Ukraine khiến xuất khẩu sang thị trường này gặp khó.
Chi phí logistics cao là một nguyên nhân khiến chi phí đầu vào tăng
Hơn nữa, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu bị gián đoạn khiến doanh nghiệp dè dặt không dám mở rộng sản xuất. Cộng thêm áp lực chí phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp cũng phải tính toán căn cơ hơn.
Tương tự doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp da giày theo chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân: “Hiện đang chịu áp lực lớn do chi phi đầu vào ngày càng đắt đỏ. Có thời điểm, 1 container hàng xuất khẩu phải cộng thêm gần gấp đôi chi phí các loại so với bình thường”.
Trong khi đó, chính sách zero Covid của Trung Quốc tiếp tục hạn chế nhập khẩu nguyên phụ liệu. Có doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhập khẩu được nguyên phụ liệu đã không dám nhận đơn hàng. “1-2 tháng gần đây tình hình có cải thiện do Trung Quốc đã cởi mở hơn, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu không quá khó khăn như 3 tháng trước đây”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra những bất cập trong phát triển nguyên phụ liệu nội địa. Cụ thể, Nghị định 18/2021/NĐ-CP yêu cầu hoạt động xuất khẩu tại chỗ phải ứng trước thuế nhập khẩu và chỉ được hoàn lại khi đã chứng minh xuất khẩu.
“Điều này bất cập, nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài được miễn thuế ngay, mua ở trong nước phải ứng thuế xuất nhập khẩu. Có những doanh nghiệp phải ứng từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Quy định này sẽ hạn chế phát triển nguyên phụ liệu trong nước”, Phó chủ tịch Lefaso kiến nghị.
Dù đơn hàng tăng, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp rất thấp, hệ luỵ từ chi phí đầu vào tăng phi mã.