Thị trường chứng khoán đang trở nên tiêu cực và khó lường trong ngắn hạn, nhất là sau phiên “phá đáy” (6/7). Mặc dù thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý, vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong giai đoạn này.
Sau khi đạt mức cao lịch sử tại 1.528,6 điểm vào ngày 6/1/2022, chỉ số chung đã không ngừng lao dốc. Tâm lý tiêu cực bao trùm khiến 6 tháng đầu năm 2022, VN-Index giảm 20,5% so với đầu năm. Tương tự, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng lần lượt giảm hơn 40% và hơn 23%.
Nhiều "sóng gió" phía trước
Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước giảm mạnh là do tác động chung của tình hình kinh tế và chứng khoán toàn cầu, chủ yếu đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga – Ukraine khiến lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng tài chính toàn cầu thắt chặt... Ngoài ra, một số thông tin vụ việc về các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước bị bắt đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Bên cạnh diễn biến không tích cực của điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm kể từ tháng 12/2021, trong khi đó số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng mức kỷ lục.
Nhiều thách thức và cơ hội sẽ đến với TTCK trong tháng 7.
Riêng trong tháng 6, VN-Index ghi nhận mức giảm 7,4% so với tháng 5 và giảm 20,1% so với cùng kỳ 2021. Thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn chỉ đạt gần 18.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất có thể kể đến như Dịch vụ tài chính (-14,7%); Tài nguyên cơ bản (-14,7%); Hóa chất (-12,6%) và Dầu khí (-12,6%).
Bước sang tháng 7, SSI Research lưu ý, các yếu tố rủi ro từ bên ngoài có thể sẽ tiếp tục tạo thách thức cho TTCK trong ngắn hạn. Bên cạnh xu hướng các NHTW lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát ngày càng rõ nét, nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái cũng có thể tạo thêm áp lực lên tỷ giá. Ngay trong tháng 7, một đợt tăng lãi suất mạnh nữa của Fed khả năng sẽ diễn ra và được công bố vào rạng sáng ngày 28/7. Tương quan giữa TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam đã lên cao trong thời gian gần đây.
“Nhà đầu tư nên lưu ý những diễn biến này trong ngắn hạn”, SSI Research khuyến nghị.
Mới đây, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói rằng, quỹ sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ ba trong năm nay khi đưa ra mức 3,6% cho năm 2022 vào tháng 4 vừa qua. IMF dự kiến sẽ công bố dự báo cập nhật cho năm 2022 và 2023 vào cuối tháng 7.
Đáng chú ý, sự kiện “phá đáy” phiên ngày 6/7 đang gây tâm lý hoang mang khá lớn cho các nhà đầu tư. Bởi lẽ diễn biến trong phiên rất khó lường khi nhiều cổ phiếu bị “đè bán” về cuối phiên, nhất là trong phiên ATC. Trong khi đó, thị trường chung không có thông tin tiêu cực nào, sau sự kiện này, thị trường càng trở nên khó đoán định hơn trong thời gian tới.
“Tâm lý thị trường ở trạng thái rất “lỏng lẻo” dễ bị lôi cuốn”, các chuyên gia của công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận xét.
Hơn nữa, dòng tiền đang dần yếu đi trong khi lượng cung ngày càng gia tăng thêm do lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung từ chia tách và tăng vốn. Điều này cũng gây áp lực tương đối cao cho thị trường và mức độ phân hóa đang thu hẹp lại ở mức thấp khiến cho diễn biến ngắn hạn của thị trường đang trở nên tiêu cực và khó lường hơn.
Theo ước tính, trong tháng 7 này, cổ đông sẽ đón hơn 2 tỷ cổ phiếu từ các đợt phát hành trả cổ tức, ESOP được giao dịch trên thị trường.
“Việc cổ phiếu về tài khoản nhà đầu tư sẽ tạo ra nguồn cung tiềm năng gia tăng mạnh có thể gây áp lực đáng kể lên cổ phiếu, đặc biệt là đối với những cổ phiếu có khối lượng lớn”, một chuyên gia đánh giá.
Về kỹ thuật, chứng khoán ASEAN (ASEANSC) phân tích, đồ thị ngày 6/7 của VN-Index xuất hiện cây nến đỏ thứ 3 liên tiếp với giá đóng cửa nằm dưới vùng hỗ trợ quan trọng 1.150 – 1.160 điểm, và các đường trung bình động ngắn hạn (MA3 ngày, MA5 ngày, và MA10 ngày), kèm thanh khoản giảm nhẹ và ở gần mức trung bình 20 phiên, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế và xu hướng ngắn hạn tiếp tục xấu đi.
Nhưng không phải không cơ hội
Như vậy, trong ngắn hạn, rất khó có thể dự báo chính xác biến động thị trường, song về triển vọng dài hạn, giới phân tích vẫn đánh giá TTCK Việt Nam khả quan nhờ tình hình vĩ mô ổn định, mức định giá tương đối hợp lý và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao.
Theo SSI Research, các số liệu về vĩ mô của riêng Việt Nam vẫn khả quan khi tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu 7,0%, đồng nghĩa tăng trưởng 7,5% trong nửa cuối năm 2022 nhờ mức nền thấp của năm 2021. Giải ngân đầu tư công cũng sẽ tiếp tục là chủ đề đầu tư đáng quan tâm trong nửa cuối năm 2022 sau khi nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư/pháp lý đã được giải quyết trong nửa đầu năm.
Tháng 7 cũng là cao điểm mùa kết quả kinh doanh bán niên với tăng trưởng lợi nhuận tích cực vẫn ghi nhận ở các ngành. Đây là nguồn thông tin quan trọng tạo động lực cho TTCK.
Thực tế, VN-Index cũng có xác suất tăng điểm khá cao trong tháng 7 với 6/10 năm gần nhất khởi sắc, đặc biệt là chuỗi 5 năm tăng liên tiếp trong tháng 7 từ 2013 - 2017.
Tuy nhiên, xu hướng đã bắt đầu đảo chiều trong 2 năm qua (2020 và 2021), nhưng nhìn chung nguyên nhân chủ yếu được cho là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp, khiến thị trường thiếu đi động lực. Trong khi đó, trước khi bước vào tháng 7 của 2 năm này, thị trường đều đã có những giai đoạn tăng mạnh kéo dài. Vì vậy, áp lực chốt lời khiến VN-Index giảm điểm là điều dễ xảy ra.
Với tháng 7 năm nay đã có sự khác biệt khi thị trường vừa trải qua quý II đầy sóng gió, VN-Index đã mất 20% sau 3 tháng giảm liên tiếp. Thanh khoản “teo tóp” cho thấy nguồn cung cổ phiếu cũng đã phần nào gần cạn sau những nhịp giảm sâu liên tiếp.
Một vấn đề đáng chú ý, đó là sẽ có một đợt mở "van" tín dụng vào giữa tháng 7 này. Mặc dù việc nới room lớn hơn không có nghĩa là dòng tiền sẽ chảy thẳng vào TTCK, song với việc nới room, các ngân hàng thương mại có được dư địa để cung cấp dòng tiền tín dụng cho những doanh nghiệp có năng lực sản xuất có tính chất bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn của ngân hàng dễ dàng hơn, dẫn tới hoạt động sản xuất kinh doanh có khả năng tăng trưởng lớn hơn.
“Khi doanh thu lợi nhuận tăng trưởng mà mức giá cổ phiếu, cổ phần của doanh nghiệp không tăng thì sẽ làm cho chỉ số P/E cũng như là mức P/B của toàn doanh nghiệp giảm xuống và nó sẽ kích thích dòng tiền nhàn rỗi”, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) đánh giá.