Theo chuyên gia, ngân hàng sẽ là nhóm dẫn dắt thị trường chứng khoán cuối năm, đồng thời trái phiếu tốt hơn vào cuối năm sẽ là cứu cánh về dòng tiền cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản…
Trong xu hướng tăng điểm tích cực của thị trường chứng khoán, cổ phiếu nào lọt vào tầm ngắm, dòng vốn cho các doanh nghiệp… là những chủ đề được nhà đầu tư quan tâm hiện nay. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam vừa có những chia sẻ với chúng tôi xoay quanh các chủ đề này.
Thị trường chứng khoán tăng điểm liên tiếp, lên trên 1.240 điểm, cùng thanh khoản cải thiện đáng kể. Ông có bình luận gì về diễn biến thị trường hiện nay và liệu xu hướng tích cực có duy trì?
Có 3 điểm tích cực trên thị trường. Thứ nhất, tuần trước, chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.204 điểm là một trong vùng cản quan trọng. Khi vượt vùng này, xu hướng tăng ngắn hạn tích cực được xác nhận, trước đó lình xình đi ngang trong thời gian lâu.
Thứ hai là cải thiện thanh khoản, điểm sáng là sự lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền phân bổ vào các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, sau khi kết quả kinh doanh quý 2 công bố.
Thứ ba tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn sau giai đoạn tăng lãi suất của FED. Nhà đầu tư không còn lo ngại nhiều tới yếu tố này, thay vào đó tập trung câu chuyện lạm phát sẽ hạ nhiệt trong 6 tháng cuối năm, FED sẽ có những quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ nhẹ nhàng hơn, không diễn ra liên tục đẩy lãi suất lên cao trong thời gian tới.
Thị trường xác lập xu hướng tăng trong ngắn hạn nhưng có điểm lưu ý, trong tuần này có khả năng VN-Index sẽ kiểm định lại vùng cản tiếp theo là 1.260 - 1.285 điểm. Thị trường có thể xảy ra hiện tượng rung lắc khi nhiều nhà đầu tư bắt đáy hoặc mua ở vùng giá thấp thực hiện chốt lời.
Tuy nhiên tới vùng này là cơ hội, do thị trường vẫn đang trong trend tăng, đặc biệt thanh khoản tăng, nhất là sự dẫn dắt cổ phiếu vốn hóa lớn, điều này quan trọng nhất. Thời điểm trước, sóng thị trường không có sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà phụ thuộc vào nhóm vừa và nhỏ, hay nói cách khác là tính đầu cơ trên thị trường cao, đà tăng thị trường không bền. Khi dòng tiền lan tỏa, tập trung cổ phiếu vốn hóa lớn nên xu hướng tăng thị trường bền hơn.
Ông đưa ra kịch bản tích cực cho VN-Index cuối năm ở vùng nào?
Đầu năm, nhiều nhận định cho rằng VN-Index vượt 1.500 thậm chí có thể đạt 1.700 hay 1.800 điểm. Nhưng với giai đoạn giảm mạnh vừa rồi, biến cố xảy ra từ yếu tố lạm phát, địa chính trị, Covid vẫn còn, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, đặc biệt Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero COVID. Đây là những yếu tố rõ ràng không thể dự đoán được...
Những rủi ro đó khiến định giá thị trường buộc điều chỉnh lại ở mức phù hợp hơn. Đặc biệt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động. 2022 lạm phát từ chi phí đẩy cao, thông thường chi phí chiếm 40-50% thậm chí 70-80% trên nguồn doanh thu bán ra. Biên lãi gộp bị thu hẹp do chi phí cao, dẫn tới tăng trưởng doanh nghiệp ảnh hưởng. Con số tăng trưởng quý 3,4 vẫn tốt nhưng so với quý 1,2 sẽ tăng trưởng chậm lại hơn.
Về cơ bản, mức định giá thị trường có thể bị điều chỉnh hoặc giảm giá vì có 2 yếu tố. Thứ nhất về định giá doanh nghiệp tăng trưởng bị điều chỉnh thấp hơn so với dự báo đầu năm. Thứ 2 là yếu tố tâm lý nhà đầu tư. Dòng tiền rẻ không còn, lãi suất đã tăng, dòng tiền dịch chuyển sang kênh khác như tiết kiệm hoặc dịch chuyển vào sản xuất…
Kịch bản khả quan nhất VN-Index quay lại test đỉnh cũ 1.500 điểm. 2022 có thể lặp lại kịch bản của 2019, thị trường lình xình, hướng lại vùng đỉnh cũ với thanh khoản ở mặt bằng thấp. Dự phóng thanh khoản năm nay trung bình khoảng 18.000 tỷ đồng/phiên.
Đánh giá của ông về nhóm ngành có sức hấp dẫn trong cuối năm?
Tôi cho rằng có một nhóm ngành vốn hóa lớn dẫn dắt đà tăng thị trường là dòng ngân hàng có dư địa tốt hơn, bền vững hơn nhóm khác.
Kế tiếp là ngành sản xuất thực phẩm. Năm ngoái, xuất khẩu, thủy sản, dệt may ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Năm nay dù chi phí đẩy gia tăng nhưng nhóm ngành hàng sản xuất thực phẩm duy trì tăng trưởng, con số tăng trưởng quý 3,4 có thể đột biến.
Kế nữa là cổ phiếu lĩnh vực hóa chất được hưởng lợi trong chu kỳ tăng trưởng hiện nay khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị đứt quãng. Ngoài ra còn có dầu khí, dù giá dầu cuối năm không còn tăng trưởng nóng, nhưng mặt bằng trung bình vẫn cao hơn 2021, tuy nhiên sóng không còn thực sự quá mạnh như 6 tháng đầu năm.
Ông có thể phân tích kỹ hơn về nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi quan điểm của NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%?
Nhóm này có một số vấn đề cho dư địa tăng trưởng. Thứ nhất, tập trung ngân hàng còn room tín dụng, xử lý tốt quá trình tái cơ cấu nợ xấu. 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng thống kê nợ xấu giảm khá tốt, có nghĩa họ thực hiện tốt tái cơ cấu 2021 và 6 tháng đầu năm. Room tái cơ cấu phục vụ thời điểm 6 tháng cuối năm là có.
Thứ hai là câu chuyện sáp nhập ngân hàng, mua lại từ VAMC. Thứ ba là những ngân hàng đạt tiêu chuẩn Basel II được ưu tiên mở room tín dụng trong thời gian tới.
Tại sao phải kiểm soát room tín dụng? Mục đích cuối cùng là kiểm soát lãi suất, tránh tác động lên lạm phát. Nếu bức tranh 6 tháng cuối năm như dự báo của nhiều tổ chức kinh tế thế giới, lạm phát sẽ hạ nhiệt, kéo theo hành động thắt chặt chính sách tiền tệ hay tăng lãi suất sẽ nhẹ nhàng hơn so với 6 tháng đầu năm. Như vậy lãi suất được nới lỏng dần vào cuối năm, kỳ vọng bức tranh tín dụng cuối năm được khơi thông trở lại khi tình hình lạm phát được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên cần lưu ý trong nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa, theo các yếu tố phân tích nêu trên.
Sau ngân hàng, nhóm có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường là bất động sản. Ông có đánh giá gì về nhóm ngành này hiện nay trước câu chuyện thắt chặt tín dụng, kiểm soát trái phiếu?
Tôi nghĩ 6 tháng cuối năm vẫn khó với nhóm ngành này, nhưng không phải khó hoàn toàn, mà có sự phân hóa. Bức tranh chung bất động sản 6 tháng cuối năm vẫn là tăng trưởng âm vì thanh khoản thị trường bất động sản chưa thực sự tốt.
Nhưng có một số điểm tích cực. Thứ nhất là tính pháp lý của các dự án. Vấn đề pháp lý ở dự án, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, TP.HCM có sự hạ nhiệt. Cung trên thị trường bất động sản có thể tăng trưởng trở lại. Thực tế, 6 tháng đầu năm phân khúc bất động sản cao cấp có thanh khoản và nguồn cung tăng lên khá tốt. 6 tháng cuối năm doanh nghiệp có quỹ đất tập trung phân khúc cao cấp ở Hà Nội, TP.HCM sẽ được chú ý.
Thứ hai là về điểm sáng với trái phiếu. Dòng tiền doanh nghiệp phụ thuộc 3 nguồn chính. Hai nguồn gồm vay ngân hàng và phát hành thêm năm nay là khó. Chỉ có kênh trái phiếu là cứu cánh trong thời điểm cuối năm.
Việc sửa đổi Nghị định 53 việc phát hành trái phiếu vào cuối năm sẽ thông thoáng hơn, nhu cầu về trái phiếu đổ vào trong bối cảnh rủi ro thị trường cổ phiếu vẫn hiện hữu, nhà đầu tư ưa chuộng kênh tài sản có tính an toàn cao như tiết kiệm, trái phiếu. Kỳ vọng 6 tháng cuối năm thanh khoản trái phiếu bất động sản được cải thiện hơn, doanh nghiệp có dòng tiền so với 6 tháng đầu năm.
Như vậy, tôi cho rằng sắp tới, doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công từ kênh trái phiếu, có dòng tiền để hoạt động thì có thể được lựa chọn với nhóm cổ phiếu này. Thứ hai là những doanh nghiệp có quỹ đất tại Hà Nội, TP.HCM cải thiện về pháp lý dự án. Tóm lại nhìn chung ngành vẫn xấu nhưng có sự phân hóa. Triển vọng chung thì dòng này có thể tốt trở lại vào năm sau.
Ông có thể phân tích rõ hơn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới?
Hiện nay thị trường trái phiếu chỉ có thị trường sơ cấp, không có thứ cấp. Rủi ro ở đây là về mặt định giá, doanh nghiệp hét giá nào, bao nhiêu cũng được, không có thị trường định giá như cổ phiếu, rủi ro cho người cầm cục than cuối cùng.
Thứ hai là rủi ro không có những quy định chặt chẽ để kiểm soát những rủi ro trên thị trường này. Nghị định 153 sửa đổi khơi thông nhiều điểm. Điểm sáng lớn là đưa mức xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp vào trong đợt phát hành trái phiếu. Đáng ra việc này chúng ta nên làm từ lâu. Việc đính kèm xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư có một kênh tham khảo, đánh giá đưa ra quyết định có mua trái phiếu hay không.
Với Nghị định 153 sửa đổi, sắp tới chúng ta hướng tới thị trường trái phiếu thứ cấp, kênh trái phiếu sẽ an toàn hơn. Trái phiếu trước giờ khá yếu, không có thanh khoản vì không có thứ cấp. Thị trường trái phiếu vẫn là bán buôn chứ không phải bán lẻ, rủi ro cao, người phát hành và nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn.
Trái phiếu sẽ là 1 trong 3 chân giúp doanh nghiệp có thể bước đi vững chắc được. Bởi bản thân doanh nghiệp trước giờ có hai chân đi, mà kiềng 3 chân mới đứng vững còn hai chân rất chông chênh.
Khi thị trường trái phiếu ổn sẽ giảm tải cho hệ thống ngân hàng. Phát triển thị trường trái phiếu giải quyết được câu chuyện vốn cho doanh nghiệp rất nhiều.
Nhà đầu tư cũng có kênh để mua vào vì những lúc thị trường cổ phiếu rớt mạnh thì nhà đầu tư rút tiền qua tiết kiệm, trong khi đó họ có thể góp vốn vào trái phiếu. Nhưng phải có thị trường thứ cấp cho trái phiếu. Chưa kể, trái phiếu cũng giúp tăng quy mô thanh khoản thị trường chứng khoán vì trái phiếu cũng là giao dịch mua bán được. Nên với Nghị định 153 sửa đổi, thứ cấp hoạt động, trái phiếu ổn thì doanh nghiệp sẽ tốt.
Cảm ơn ông!