Bên cạnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận của ngân hàng Việt Nam nói chung và diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam nói riêng cũng phục thuộc vào 3 yếu tố quan trọng khác, đố là biên lợi nhuận NIM, nợ xấu và lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ.
Lợi nhuận ngân hàng Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào yếu tố lãi suất như nhiều người vẫn nghĩ.
4 yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng
Không giống đặc trưng ngành ngân hàng trên thế giới, ngành ngân hàng Việt Nam về cơ bản là không có tính chu kỳ và chưa có điểm tới hạn. Trong giai đoạn vật lộn với nợ xấu 2011 - 2015, lợi nhuận các ngân hàng nhìn chung vẫn tăng trưởng. Sang đến giai đoạn 2015 - 2018 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt định lượng (QT), lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam càng tăng nhanh hơn giai đoạn trước đó.
Trên thực tế, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào yếu tố lãi suất như nhiều người vẫn nghĩ.
Chẳng hạn với biến động từ bên ngoài, khi FED tăng lãi suất thì sẽ khiến chênh lệch lãi suất VND-USD hạ xuống, khi đó, nắm giữ VND không còn là lựa chọn tốt trong bối cảnh FED liên tục tăng lãi suất, điều này khiến lượng VND giảm xuống và do đó lãi suất VND tăng lên. Các ngân hàng cũng không ngồi yên mà sẽ “chuyển hóa” áp lực tăng lãi suất huy động bằng việc tăng lãi suất cho vay. Điều này cũng lý giải vì sao lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay trên thực tế vẫn tăng mặc dù Ngân hàng Nhà nước không hề nâng lãi suất điều hành.
Hoặc ví dụ ngay cả khi một nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường chứng khoán thì lượng tiền đó thường nằm trong ngân hàng và chỉ riêng điều đó đã khiến chi phí vốn của ngân hàng hạ xuống. Tóm lại, ngân hàng là tổ chức tài chính trung gian nên tăng trưởng của ngân hàng Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), thay vì phụ thuộc vào lãi suất.
Thời gian gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tuyên bố tiếp tục giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm 2022, dù riêng 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng đã tăng tới 9,35%. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước là nhằm kiềm chế lạm phát.
Room tín dụng hạn hẹp sẽ khiến người dân khó vay tiền, doanh nghiệp khó huy động vốn để sản xuất, trong khi đó, tín dụng USD không phải bên nào cũng tiếp cận được. Theo quan điểm cá nhân, Ngân hàng Nhà nước không thể “ép” room tín dụng mãi nhưng nhìn chung, room tín dụng vẫn là cơ chế không thể thay thế ở Việt Nam.
Bên cạnh room tín dụng, lợi nhuận của ngân hàng Việt Nam nói chung và diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam nói riêng cũng phụ thuộc vào 3 yếu tố quan trọng khác, đó là: biên lợi nhuận NIM, nợ xấu và lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ.
Trong đó, rủi ro nợ xấu có thể là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh trong thời gian vừa qua, tuy nhiên nhiều ngân hàng trên thực tế đã tăng dự phòng để “phòng thủ”. Thực ra, nợ xấu là đương nhiên xuất hiện nhưng vấn đề nằm ở tỷ lệ nợ xấu và mức độ trích lập dự phòng rủi ro.
Với rủi ro nợ xấu bất động sản, nguy cơ khủng hoảng thanh khoản hiện tại thấp hơn nhiều so với năm 2008 vì 3 lý do. Thứ nhất, các ngân hàng chủ yếu làm trung gian phát hành trái phiếu doanh nghiệp thay vì mua và nắm giữ. Thứ hai, thị trường bất động sản hiện tại vẫn khá tích cực, có bất động sản là có thể bán khá dễ dàng, trong khi đó, ngân hàng chỉ là tổ chức trung gian vốn nhưng nắm cả “đầu mua” và “đầu bán”. Thứ ba, các ngân hàng thường chỉ cho vay đến khoảng 70% giá trị bất động sản theo giá thẩm định.
Những ngân hàng thương mại về cơ bản chỉ thực hiện nhiệm vụ trung gian vẫn sẽ “sống tốt”, rủi ro nằm ở những ngân hàng có sự ràng buộc chặt chẽ với các tổ chức kinh tế khác.
Cuộc chiến thị phần sẽ vẫn khắc nghiệt
Ngân hàng Nhà nước có định hướng giảm số lượng tổ chức tín dụng, đồng nghĩa với việc một vài ngân hàng sẽ có cơ hội lọt vào nhóm Big 4 nếu M&A ngân hàng khác thành công. Cuộc chiến thị phần theo đó sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Với những ngân hàng “nhóm 2” xếp sau nhóm Big 4 hiện tại (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) như Techcombank, VPBank, MB, ACB, việc quan trọng nhất hiện nay là lấy thêm thị phần từ Big 4 cũng như nhắm đến các ngân hàng nhỏ có khả năng bị sáp nhập. Với các ngân hàng trên, quan trọng nhất là hoàn thiện hệ sinh thái không chỉ ngân hàng mà còn cả các dịch vụ tài chính khác. Đây cũng là nhóm có khả năng cao nhất cạnh tranh với nhóm Big 4 hiện tại.
Đối với những ngân hàng ở “nhóm 3” như VIB, TPBank, MSB hay Sacombank thì áp lực sẽ lớn hơn khi phải chống lại việc mở rộng thị phần từ các ngân hàng “nhóm 2”.
Với những ngân hàng nhỏ có tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng, việc tăng cường các chuẩn mực về rủi ro và vốn là điều kiện tiên quyết để tránh không bị sáp nhập, đồng thời cũng dần dần phải “thoát ly” khỏi hoạt động của “tập đoàn mẹ” để tránh rủi ro tập trung.
Còn đối với các ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, việc quan trọng nhất là tồn tại. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có lộ trình tái cơ cấu những ngân hàng này một cách rõ ràng hơn trong giai đoạn tiếp theo.