Sau thời gian điều chỉnh khá mạnh, nhóm cổ phiếu bán lẻ đang có dấu hiệu hút tiền trở lại. Điều này được cho là đến từ kỳ vọng sức mua người tiêu dùng tăng cao hơn trước, tác động tích cực đến lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ những tháng tới đây.
Theo quan sát của VnBusiness, từ giữa tháng 7 đến nay, nhóm cổ phiếu bán lẻ đang ghi nhận sự hồi phục trở lại sau khoảng thời gian điều chỉnh khá mạnh trước đó. Tính đến chốt phiên 9/9, cổ phiếu
MWG của Thế giới Di động tăng từ vùng 64.100 đồng/cp lên 72.000 đồng/cp (+12,3%), cổ phiếu
PET của Petrosetco tăng từ 32.700 đồng/cp lên 42.500 đồng/cp (+30%); cổ phiếu
FRT của
FPT Retail tăng từ 70.600 đồng/cp lên 88.200 đồng/cp (+25%); cổ phiếu
DGW của Digiworld tăng từ 52.500 đồng/cp lên 73.500 đồng/cp (+40%)…
Xu hướng hút tiền mạnh
Không chỉ vậy, tính riêng trong tháng 8, thanh khoản toàn ngành bán lẻ cũng có sự cải thiện và giao dịch sôi động với mức tăng đến 32% so với tháng trước đó.
Đáng chú ý, trong phiên 8/9, trái ngược với sự ảm đảm của thị trường chung, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ lại cho thấy sự trú ngụ an toàn và hút tiền khá mạnh. Điển hình như
DGW (+2,71%);
PET (+2,6%);
FRT (+1,41%);
MWG (+0,99%),…
Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ đang có xu hướng hút tiền trở lại (Ảnh: Int)
Trước đó, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, cổ phiếu ngành bán lẻ bắt đầu có dấu hiệu đi xuống từ những ngày đầu tháng 6.
Cụ thể, tính từ phiên 7/6 đến chốt phiên ngày 18/7, cổ phiếu
PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm từ vùng 128.000 đồng/cp xuống 113.500 đồng/cp (-11,3%); cổ phiếu
MWG giảm từ 154.000 đồng/cp xuống 61.000 đồng/cp (-60,3%); cổ phiếu DWG giảm từ 139.000 đồng/cp xuống 55.000 đồng/cp (-60,4%). Tương tự, cổ phiếu
FRT giảm từ 136.000 đồng/cp xuống 72.500 đồng/cp (-46,7%), cổ phiếu
PET giảm từ 45.900 đồng/cp xuống 33.300 đồng/cp (-27,4%)...
Theo đó, vốn hóa của các “đại gia” ngành bán lẻ cũng theo nhau “bốc hơi”. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/7, vốn hóa Masan còn gần 146 nghìn tỷ đồng, giảm 17,4 nghìn tỷ đồng so với ngày 30/6; vốn hóa của Thế giới Di động “bay” 14,6 nghìn tỷ đồng, xuống chỉ còn gần 90 nghìn tỷ đồng – mức thấp nhất gần một năm qua.
Cùng thời gian, vốn hóa của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm 3,6 nghìn tỷ đồng;
FPT Retail giảm hơn 2,1 nghìn tỷ đồng.
Thời điểm đó, giới phân tích cho rằng, do lạm phát không ngừng tăng cao, nhu cầu tích trữ của người dân suy giảm, nên sức mua kém hơn trước, điều này cản trở đà tăng trưởng của ngành bán lẻ, gây tác động xấu đến nhóm cổ phiếu nhóm ngành này. Cùng với đó là áp lực chốt lời ngắn hạn sau thời gian tăng quá mạnh.
Thực tế, nhìn lại quý II vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết công bố kết quả kinh doanh khá trái chiều, nhưng điểm chung là tốc độ tăng trưởng đã giảm đáng kể so với các quý trước đó.
Trong khi
FPT Retail, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận và Digiworld vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước thì Thế giới Di động và Petrosetco lại suy giảm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều yếu tố tích cực cho thấy, ngành bán lẻ đang có dấu hiệu hồi phục trở lại mạnh mẽ. Đây cũng được cho là chất xúc tác cho đà tăng của nhóm cổ phiếu này.
Trở thành nhóm cổ phiếu dẫn dắt?
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 12%. Đây là con số cao nhất khi so sánh với cùng kỳ của các năm 2018 – 2021. Có thể thấy, ngành bán lẻ nội địa đang dần bắt kịp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tiền Covid-19.
Ông Peter Christou, Tổng Giám đốc Kantar Vietnam đánh giá, thời gian tới, thu nhập trung bình của người Việt Nam sẽ tăng lên, sức mua và tinh thần mua cũng cao lên. Với đà phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ sẽ là động lực cho tăng trưởng GDP những tháng cuối năm khi mà tiêu dùng cuối cùng là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm khoảng 70% của GDP.
Thực tế, giai đoạn 6 tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân bao giờ cũng tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm, đặc biệt dịp Tết Trung thu, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị lớn cũng liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại lớn nhằm thu hút người tiêu dùng, kích cầu mua sắm.
Mặt khác, thông tin hỗ trợ nhóm bán lẻ tới từ việc Apple đang đàm phán để sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam, trong khi Samsung có kế hoạch sản xuất các bộ phận bán dẫn tại Việt Nam và đầu tư thêm hàng tỷ USD vào năm 2022. Những khoản đầu tư như vậy có thể thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển chuỗi giá trị trong những năm tới.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Agriseco, nhóm bán buôn, bán lẻ điện tử sẽ là một trong những nhóm ngành dẫn dắt trong thời gian tới, do hiện tại là thời điểm tựu trường, nhu cầu sắm các thiết bị văn phòng cũng như máy tính-điện thoại tăng lên, và mới đây dòng điện thoại iPhone mới chính thức được ra mắt.
Tương tự, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới, Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, GDP quý III Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 10.x%. Do đó, tâm điểm thị trường nhiều khả năng sẽ tập trung vào các nhóm ngành phục hồi sau dịch, trong đó có ngành bán lẻ.
Trong báo cáo mới đây, SSI Research đánh giá tăng trưởng doanh thu của mảng công nghệ thông tin (ICT & CE) sẽ lớn hơn mức tăng trong 6 tháng đầu năm do nền cơ sở thấp trong nửa cuối năm trước. Điều này cũng diễn ra tương tự ở mảng trang sức, mặc dù môi trường lạm phát đầy thách thức có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm, nhưng tăng trưởng doanh thu của các công ty vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau Covid-19 từ mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, qua các cuộc trao đổi với Digiword và Petrosetco, ban lãnh đạo của 2 doanh nghiệp này nhận thấy có dấu hiệu phục hồi nhu cầu laptop và điện thoại di động từ đầu quý III vừa qua. Và BVSC cho rằng, triển vọng sáng này không chỉ cho các nhà phân phối mà còn cho các nhà bán lẻ như Thế giới Di động và
FPT Retail.
Tương tự, Chứng khoán Mirae Asset nhận định, giá cả hàng hóa tăng dần cũng phần nào hỗ trợ biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ phục hồi từ suy giảm mạnh trong quý II bởi ảnh hưởng tiêu cực của giá xăng dầu. Mặc dù lạm phát sẽ gây một áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa, song sự vượt trội của các yếu tố tích cực so với tiêu cực nên tăng trưởng của ngành bán lẻ vẫn trong xu hướng tích cực.
“
MSN và
MWG sẽ là 2 cổ phiếu tiềm năng”, nhóm phân tích của Mirae Asset lưu ý.