Áp lực bán lại dâng cao trong phiên sáng nay, đẩy gần như toàn bộ cổ phiếu lao dốc. Ba mã blue-chips duy nhất còn sắc xanh là GAS, SAB và VIC không thể thay đổi được cục diện, khi số mã giảm giá gấp 5,2 lần số tăng. VN-Index bốc hơi 13,65 điểm tương đương 1,11%, đánh mất toàn bộ mức tăng từ đầu tháng 8/2022.
Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất sáng nay lại là những mã giảm mạnh nhất. Đó là tín hiệu của lực bán rất mạnh và chủ động.
Áp lực bán lại dâng cao trong phiên sáng nay, đẩy gần như toàn bộ cổ phiếu lao dốc. Ba mã blue-chips duy nhất còn sắc xanh là GAS, SAB và VIC không thể thay đổi được cục diện, khi số mã giảm giá gấp 5,2 lần số tăng. VN-Index bốc hơi 13,65 điểm tương đương 1,11%, đánh mất toàn bộ mức tăng từ đầu tháng 8/2022.
Từ cuối tuần qua, thị trường vẫn “khấp khởi” mừng thầm khi việc sửa Nghị định 153 về trái phiêu doanh nghiệp đã kết thúc. Tuy nhiên đại đa số cổ phiếu bất động sản vẫn lao dốc mạnh sáng nay. Chỉ số nhóm VNREAL giảm tới 1,14% giá trị.
Những lo ngại về áp lực lạm phát lấn át hoàn toàn các thông tin khác, khi giữa tuần này FED sẽ quyết định tăng lãi suất lần nữa. Câu chuyện có thể sẽ không dừng lại ở con số được đưa ra, mà những lo ngại về quan điểm cứng rắn sẽ khiến thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng xấu hơn.
Thị trường trong nước có tín hiệu rõ ràng về lực bán đã tăng vọt. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết đạt 7.055 tỷ đồng, tăng gần 18% so với sáng hôm thứ Sáu tuần trước. Đi kèm với thanh khoản lớn là cổ phiếu giảm giá hàng loạt: Ngay 30 phút đầu tiên sau khi mở cửa, VN-Index chỉ có 82 mã tăng/272 mã giảm. Đến cuối phiên sáng, độ rộng co hẹp hơn nữa, chỉ còn 71 mã tăng/371 mã giảm. Tuy chưa đến mức sàn cả loạt, nhưng gần 160 mã đang rơi quá 2% giá trị, chưa kể gần 70 mã khác giảm trên 1%.
Cả HNX lẫn HoSE có 19 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì duy nhất 2 mã tăng là VCG tăng 0,4% giao dịch 127,7 tỷ đồng và DXG tăng 0,2% giao dịch 112,5 tỷ đồng. Tất cả các mã còn lại trong nhóm thanh khoản cao nhất này đều giảm. Hai cổ phiếu ngược dòng nói trên thuộc nhóm bất động sản, nhưng không đại diện được cho nhóm cổ phiếu này, vì số giảm quá nhiều.
VN-Index thể hiện áp lực bán tăng mạnh theo thời gian trong phiên sáng nay.
VN30-Index kết phiên sáng giảm 1,03% với 3 mã tăng/26 mã giảm và 15 mã trong số này giảm quá 1%. PDR rơi 3,55%, GVR giảm 3,46%, SSI giảm 3,55%, VIB giảm 2,86%, VRE giảm 2,85% là các cổ phiếu yếu nhất. Ngoài VIC tăng 0,32%, GAS tăng 0,9%, SAB tăng 0,92%, may mắn là nhóm HPG, VCB, VPB, VHM giảm khá nhẹ, dưới 0,7%.
Trong nhóm ngược dòng, đại đa số là các mã thanh khoản rất nhỏ và ít quan trọng hoặc tăng quá kém. Số khá nổi bật có thể kể tới là HHV tăng 4,35% thanh khoản 82 tỷ; BCM tăng 2,45% thanh khoản 12,3 tỷ; EIB tăng 2,35% giao dịch 31,5 tỷ; ITC tăng 2,02% giao dịch 12,3 tỷ; PAN tăng 1,32% giao dịch 62,7 tỷ; FCN tăng 1,25% giao dịch 49,8 tỷ; NT2 tăng 1,13% giao dịch 33,3 tỷ.
Thị trường đang chịu ảnh hưởng chủ đạo từ hoạt động cắt lỗ của nhà đầu tư trong nước khi nhịp nghỉ chân quá ngắn và chủ yếu cũng chỉ thể hiện ở VN-Index hơn là với cổ phiếu. Nhiều mã vẫn giảm giá trong các phiên VN-Index lình xình. Do đó lượng cổ phiếu bị lỗ vẫn đang tích lũy lại ngày một nhiều hơn. Hôm nay khối ngoại bán ra 380,2 tỷ trên HoSE, tức là chỉ chiếm 5,5% tổng giao dịch của sàn này. Mức mua vào 398,4 tỷ, chiếm 5,8%.
HPG là mã duy nhất được mua ròng đáng kể với 60,5 tỷ đồng ròng. Khoảng 31% thanh khoản của HPG là do khối ngoại mua vào. Lực đỡ này phần nào giúp HPG chỉ giảm 0,43% so với tham chiếu. VCB, GAS là hai mã duy nhất khác được mua ròng quanh 10 tỷ đồng. Phía bán cũng chỉ có DGW, STB là bị xả khoảng 10 tỷ đồng ròng.
Với mức độ trượt giá rộng trong sáng nay và đại đa số cổ phiếu giảm dưới tham chiếu, lực bán đang hoàn toàn chiếm ưu thế. Hiện vẫn đang có lực cầu bắt đáy giá thấp nhưng chủ yếu vẫn là chờ đợi, thay vì di chuyển giá đặt. Đây là tình thế khó khăn cho thị trường, do chỉ có lực cầu đẩy giá lên mới có thể thay đổi được trạng thái cũng như quán tính giảm.