Quảng Trị mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương; sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư để trở thành trung tâm năng lượng miền Trung.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham dự Hội thảo. Ảnh: Thành Long
Sáng 7/9, tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Báo Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội thảo "Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, Quảng Trị là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, Quảng Trị còn có tiềm năng rất lớn để phát triển điện khí ngoài khơi - loại hình năng lượng hóa thạch nhưng phát thải carbon ra môi trường thấp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thành Long
Theo Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng, đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714MW, đưa vào vận hành thương mại 671,1MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW, và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại. Như vậy, tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5MW (chưa bao gồm khoảng 100MW hệ thống điện mặt trời mái nhà).
"Từ những nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, với những chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng từ phía Chính phủ, bộ ngành Trung ương, sự chung sức của các nhà đầu tư và quan trọng là sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân, Quảng Trị đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định trong phát triển công nghiệp năng lượng", ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, bên cạnh phân tích những điều kiện thuận lợi, tiềm năng, các đại biểu, chuyên gia cũng nêu ra các vướng mắc, khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực năng lượng tại Quảng Trị hiện nay, bao gồm: Khó khăn trong triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đầu tư và quản lý vận hành lưới điện truyền tải; Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt khiến địa phương không có cơ sở tiếp tục triển khai công tác xúc tiến thu hút đầu tư; thời gian thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án kéo dài; khó khăn trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trình tự và thủ tục chuyển đổi đất rừng rất phức tạp; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; và khó khăn do ảnh hưởng của biến động giá vật liệu đầu vào…
Trên cơ sở đó, các chuyên gia, đại biểu đã kiến nghị Chính phủ sớm có các chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn; đồng thời sớm ban hành Quy hoạch Điện VIII, trong đó, đối với tỉnh Quảng Trị cần có một quy hoạch tổng thể đối với các nguồn điện, đặc biệt các nguồn năng lượng tái tạo kèm theo lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các công trình nguồn điện một cách tổng thể và đồng bộ; sớm có cơ chế xác định giá bán điện gió (đối với các dự án được vận hành sau khi hết cơ chế giá FIT).
Trên góc độ phát triển vĩ mô, lâu dài, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam góp ý: "Hiện Quảng Trị đã chọn lựa chọn xu thế thời đại, phù hợp xu hướng quốc gia và quốc tế về phát triển năng lượng. Quảng Trị cần coi những cam kết của COP 26 là cơ hội phát triển năng lượng của mình và có chiến lược phát triển dài hạn, chứ không phải một vài dự án để phát triển kinh tế", PGS.TS Trần Đình Thiên góp ý.
PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra những lời khuyên cho tỉnh Quảng Trị về phát triển năng lượng. Ảnh: Thành Long
Về phần mình, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, thời điểm hiện nay, trên thế giới đang gặp phải tình trạng khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu tăng cao. Do vậy, giai đoạn tới, việc phát triển khoa học công nghệ về năng lượng sẽ tăng nhanh hơn. Tuy vậy, TS. Nguyễn Đình Cung cũng nhìn nhận một thực tế tồn tại đó là thời gian qua, phát triển năng lượng trên đất nước ta diễn ra quá nhanh, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, dẫn đến những sự lúng túng về chính sách. Từ lúng túng đó, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này bị chững lại.
"Miền Trung và Tây nguyên đang phát triển rất mạnh về năng lượng điện gió, điện mặt trời. Do vậy, có thời điểm việc giải tỏa công suất gặp khó khăn. Các tỉnh miền Trung không nên đi riêng lẻ nữa mà phải đi tập trung, thống nhất để thu hút đầu tư. Đây là giải pháp pháp trước mắt, trong đó cần giải quyết nhanh chính sách về giá, thu hút đầu tư; tạo lợi nhuận, để doanh nghiệp tái đầu tư, tìm ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư năng lượng tại tỉnh Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung", ông Cung khuyến nghị.
Trước những phân tích, góp ý từ các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung là "một phần hoài bão, ước mơ cháy bỏng của đất và người Quảng Trị trên con đường xây dựng thành trì thịnh vượng". Ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị, tỉnh mong muốn tiếp tục có sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ ngành; sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư và sự đồng hành, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế - năng lượng, đồng hành cùng sự phát triển chung của tỉnh Quảng Trị.
"Tôi cho rằng, Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung là hoàn toàn có cơ sở từ khoa học, thực tiễn, tiềm năng và quyết tâm chính trị và là hướng đi đúng, trúng, tạo ra bước đột phá quan trọng trong thời gian đến", ông Võ Văn Hưng khẳng định.