Những ngành công nghiệp mới nổi như 5G, xe tự lái, trí tuệ nhân tạo…, vốn đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, sẽ hình thành lực lượng mạnh mẽ trong tương lai thúc đẩy nhu cầu bán dẫn.
Một nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Samsung tại Trung Quốc. Ảnh: Samsung Electronics Co
Thị trường điện tử tiêu dùng suy yếu là nhân tố quan trọng nhất khiến ngành công nghiệp chip bước vào chu kỳ đi xuống. Cùng với sự sụt giảm mạnh của nhu cầu đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, khối lượng vận chuyển điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và đồ điện gia dụng toàn cầu trong ba quý đầu năm 2022 đều ghi nhận sự sụt giảm trong ba quý liên tiếp.
Tuy nhiên, những ngành công nghiệp mới nổi như 5G, xe tự lái, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, vũ trụ ảo, thiết bị đeo…, vốn đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, sẽ hình thành lực lượng mạnh mẽ trong tương lai thúc đẩy nhu cầu bán dẫn.
* Từ hưng thịnh sang suy thoái
Đối với xu hướng tiếp theo của ngành công nghiệp chip toàn cầu, vốn chật vật trong một thị trường chật chội gần một năm qua, công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ thông tin nổi tiếng Gartner dự báo doanh thu của ngành công nghiệp chip toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 2,5%.
Trong khi đó, Hiệp hội thống kê thương mại bán dẫn thế giới (WSTS) lại bi quan hơn. WSTS nhấn mạnh quy mô thị trường chip toàn cầu trong năm 2023 sẽ thu hẹp 4,1%, xuống còn 557 tỷ USD.
Hiệp hội thiết bị và vật liệu chip bán dẫn quốc tế (SEMI) cho rằng chi tiêu vốn của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu năm 2023 ở mức khoảng 138,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Trong hai năm đầu khi đại dịch COVID-19 lan rộng, xu hướng làm việc từ xa đã kích thích nhu cầu khổng lồ của các sản phẩm điện tử tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính và tivi…, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của khối lượng vận chuyển chip.
Dưới sự thúc đẩy của nhiều yếu tố như cung không đủ cầu, ngành công nghiệp chip toàn cầu đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng thần tốc, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của năm 2021 lên đến 26,2%, giá trị sản lượng đạt 555,9 tỷ USD, hơn nữa đà tăng trưởng cao này tiếp tục được duy trì đến quý I/2022. Thu nhập trong 8 quý liên tiếp đã tạo ra kỷ lục tăng trưởng liên tục dài nhất của ngành công nghiệp chip toàn cầu từ trước đến nay.
Bước ngoặt xuất hiện vào quý II/2022. Số liệu do công ty nghiên cứu thị trường Omdia công bố cho thấy doanh thu thị trường chip toàn cầu trong quý II/2022 là 158,1 tỷ USD, giảm 1,9% so với quý trước đó. Doanh thu quý III/2022 tiếp tục thu hẹp về mức 147 tỷ USD, giảm 7% so với quý trước đó.
Đối với vấn đề này, báo cáo của Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) nhấn mạnh 6 tháng với doanh thu sụt giảm liên tiếp đã trở thành chuỗi sụt giảm liên tục dài nhất về tốc độ tăng trưởng doanh số bán chip toàn cầu kể từ năm 2018. Mặc dù số liệu của quý IV/2022 chưa công bố, nhưng tổng hợp từ các phương diện, tình hình cũng không mấy lạc quan.
Sự chuyển đổi chóng vánh từ hưng thịnh sang suy thoái đã khiến tất cả các doanh nghiệp chip cảm thấy "ớn lạnh". Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố, quý III/2022, lợi nhuận của Samsung Electronics đã giảm 31,39%, lợi nhuận ròng của Intel giảm đến 85%, lợi nhuận ròng của NVIDIA giảm 72%, lợi nhuận ròng của AMD giảm 93%. Cũng trong thời gian này, lợi nhuận của SK Hynix giảm 60% và lợi nhuận ròng của Micron giảm 45%.
Dưới sức ép doanh thu tài chính giảm mạnh, các ông lớn hàng đầu về chip như Samsung, LG, TSMC… đã phải hãm mạnh phanh, rất nhiều doanh nghiệp hoặc bị động cắt giảm chi tiêu vốn hàng năm, hoặc buộc phải giảm lương và thưởng của nhân viên.
Khác với việc nhiều lần nâng giá trị kỳ vọng đầu tư thiết bị dưới sự thúc đẩy của nhu cầu chip mạnh mẽ trong ba năm qua, trong vòng một năm trở lại đây, TSMC đã hai lần điều chỉnh giảm giá trị kỳ vọng đầu tư thiết bị, từ 40 tỷ USD ban đầu xuống còn 36 tỷ USD, tổng cộng giảm 20%.
Tương tự, SK Hynix cũng cắt giảm một nửa đầu tư thiết bị trong năm 2023, nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ là Micron Technology cũng giảm 7-7,5 tỷ USD chi tiêu vốn của năm 2023, trong đó chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip bị cắt giảm một nửa.
Sự chuyển đổi chóng vánh của ngành công nghiệp chip toàn cầu. Ảnh: Deccanherald
* Một thị trường thay đổi và năng động sẽ vẫn còn hy vọng
Thị trường chip có tính chu kỳ tương đối rõ ràng. Do đó, năm 2022, thị trường chip toàn cầu bước vào giai đoạn điều chỉnh cũng là điều hợp lý. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết cục này, đầu tiên phải kể đến sự thu hẹp đột ngột và mạnh mẽ của chính sách tiền tệ toàn cầu, cũng như lạm phát cao, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc… Cho dù doanh nghiệp hay cá nhân thì nhu cầu đều bị thiệt hại và kìm nén trực tiếp, và cuối cùng chắc chắn sẽ gây ức chế ngược đến nguồn cung sản phẩm chip.
Trên thực tế, dựa trên nhu cầu mạnh mẽ của hai năm liên tục, ngành sản xuất chip vẫn tăng mạnh nguồn cung và mở rộng năng lực sản xuất trong năm 2022. Về phía cầu, xuất phát từ tâm lý hoang mang và sức ép thiếu hàng, khách hàng liên tục có hành vi đặt hàng lặp đi lặp lại và quá mức trong một năm qua.
Tình trạng này phản hồi trở lại phía cung, kích thích các nhà sản xuất ngoài việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu đặt hàng, còn tích cực triển khai hành động tập thể để bổ sung tồn kho. Tuy nhiên, khi nhu cầu xuất hiện bước ngoặt và thu hẹp, việc đánh giá sai nhu cầu thực tế của thị trường tiêu dùng kiểu này sẽ dẫn đến hệ lụy cung cầu lệch pha, hàng tồn kho trở thành “nỗi đau” cho toàn ngành.
Cung cầu quyết định giá cả. Về mặt khách quan, hàng tồn kho sẽ tác động đến giá chip, và để giải phóng hàng tồn, các nhà sản xuất chip buộc phải hạ giá. Tuy nhiên, điều này không chỉ dẫn đến sự cạnh tranh tiêu cực trong ngành và doanh thu sụt giảm mạnh. Quan trọng hơn, dưới tiền đề nhu cầu suy yếu chưa được cải thiện cơ bản, thì ngay cả việc giảm giá cũng khó đạt được hiệu quả trong thúc đẩy tiêu thụ và xả hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, việc giá cả lao dốc đã tăng cường các lựa chọn nhập hàng của các nhà bán hàng hạ nguồn và đầu cuối (mua theo yêu cầu và giảm số lượng), mức độ sẵn sàng đặt hàng trước và dự trữ hàng suy yếu đáng kể, buộc các nhà cung ứng thượng nguồn phải duy trì mức tồn kho cao.
Thị trường điện tử tiêu dùng suy yếu là nhân tố quan trọng nhất khiến ngành công nghiệp chip bước vào chu kỳ đi xuống. Kết quả thống kê cho thấy điện tử tiêu dùng hiện đang chiếm hơn 60% thị trường chip, nhưng cùng với sự biến mất của nhu cầu đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh, khối lượng vận chuyển điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và đồ điện gia dụng toàn cầu trong giai đoạn quý I-III/2022 đều ghi nhận sụt giảm trong ba quý liên tiếp.
Áp lực thị trường mà ngành công nghiệp chip toàn cầu phải đối diện trong năm 2023 vẫn không hề nhẹ nhàng. Một mặt, kinh tế toàn cầu bước vào chu kỳ suy giảm, xác suất suy thoái của các nền kinh tế chủ chốt bao gồm Mỹ và châu Âu tăng lên, nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp và cá nhân vẫn khó hồi sinh.
Mặt khác, việc xử lý hàng tồn kho đòi hỏi thời gian. Cục diện dư thừa chip là khó giải quyết trong ngắn hạn. Không chỉ vậy, việc nới lỏng năng lực sản xuất dư thừa của ngành cũng cần thời gian. Morgan Stanley dự đoán tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất đĩa bán dẫn toàn cầu sẽ giảm xuống còn 70-80% vào quý II/2023, đến nửa cuối năm mới phục hồi về mức 90%.
Tuy nhiên, một thị trường thay đổi và năng động sẽ vẫn còn hy vọng. Những ngành công nghiệp mới nổi như 5G, xe tự lái, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, vũ trụ ảo, thiết bị đeo… phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây sẽ hình thành lực lượng mạnh mẽ trong tương lai về nhu cầu bán dẫn.
Điển hình là ô tô. Hệ thống xe tự lái sẽ không chỉ tạo ra nhu cầu lớn về chip xử lý, chip lưu trữ và cảm biến tiên tiến, mà các chức năng khác của ô tô cũng sẽ cần một số lượng lớn chip để vận hành, chẳng hạn như buồng lái thông minh, túi khí và quản lý nguồn điện…, đồng thời trình độ thông minh hóa của ô tô càng cao, thì lượng dữ liệu được tạo ra trong quá trình vận hành càng lớn và nhu cầu về chip càng nhiều.
Theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu ô tô Sohu, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của thị trường chip nhớ ô tô toàn cầu sẽ đạt 14,94%. Đồng thời Gartner nhấn mạnh giai đoạn 2022-2025, giá trị linh kiện bán dẫn trong mỗi chiếc ô tô sẽ tăng từ 712 USD lên 931 USD.
Đánh giá một cách toàn diện, công ty nghiên cứu IDC cho rằng tổng giá trị thị trường chip toàn cầu sẽ vượt 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới./.