Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn 80 năm thế giới phải trải qua 2 cuộc suy thoái chỉ trong vòng 1 thập kỷ...
Khu Manhattan của thành phố New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa mạnh tay cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức ngấp nghé bờ vực suy thoái đối với nhiều quốc gia. Động thái này của WB diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất, xung đột Nga-Ukraine chưa kết thúc, và các đầu tàu của kinh tế thế giới đồng loạt suy yếu.
Theo tin từ Reuters, định chế cho vay phát triển có trụ sở ở Washington DC dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu tăng trưởng 1,7% trong năm 2023, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993 ngoại trừ suy thoái 2009 sau khủng hoảng tài chính và suy thoái năm 2020 khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu đưa ra vào tháng 6/2022, WB dự báo kinh tế toàn cầu năm nay tăng trưởng 3%. Như vậy, dự báo mới nhất của WB về tăng trưởng kinh tế thế giới đã giảm gần một nửa so với cách đây hơn 6 tháng.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc lên mức 2,7% vào năm 2024, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn mức 2,9% đạt được vào năm 2022. Ngoài ra, WB cho rằng tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế toàn cầu trong thời gian từ 2020-2024 sẽ đạt dưới 2%, mức bình quân 5 năm thấp nhất kể từ thập niên 1960.
Nền kinh tế thế giới đã suy giảm 3,2% trong năm 2020 khi Covid hoành hành, rồi phục hồi mạnh trong năm 2021 với mức tăng 5,7%, theo số liệu từ WB.
Theo WB, sự giảm tốc mạnh của các nền kinh tế phát triển - bao gồm dự báo tăng trưởng của cả Mỹ và khu vực Eurozone năm nay đều bị cắt giảm mạnh về mức 0,5% - có thể báo hiệu một cuộc suy thoái toàn cầu mới, chưa đầy 3 năm sau lần suy thoái gần đây nhất. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn 80 năm thế giới phải trải qua 2 cuộc suy thoái chỉ trong vòng 1 thập kỷ.
“Xét tới các điều kiện kinh tế bấp bênh, bất kỳ một diễn biến bất lợi mới nào, chẳng hạn lạm phát cao hơn dự báo, lãi suất tăng đột ngột để chống lạm phát, và sự trỗi dậy của đại dịch Covid-19 hay căng thẳng địa chính trị leo thang, đều có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái”, WB nhận định trong một tuyên bố đi kèm bản báo cáo.
WB nói rằng triển vọng đặc biệt u ám đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, vốn là những nước đang chật vật với gánh nặng nợ nần, đồng tiền mất giá, tăng trưởng thu nhập yếu đi, và đầu tư kinh doanh giảm sút. Theo dự báo mà WB đưa ra, nhóm này chỉ đạt mức tăng trưởng 3,5% mỗi năm trong 2 năm tới, bằng một nửa mức tăng bình quân hàng năm của 2 thập kỷ qua.
“Tăng trưởng suy giảm và môi trường kinh doanh xấu đi sẽ làm phức tạp thêm sự thụt lùi của công tác phát triển giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo và đầu tư hạ tầng, cũng như làm gia tăng tổn thất từ tình trạng biến đổi khí hậu”, Chủ tịch David Malpass của WB nói trong một tuyên bố.
Theo báo cáo của WB, tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 giảm còn 2,7%, mức thấp thứ nhì kể từ thập niên 1970, chỉ sau mức tăng 2,2% vào năm 2020, do ảnh hưởng của chính sách Zero Covid, khủng hoảng bất động sản, và hạn hán gây ảnh hưởng đến tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 4,3% trong năm 2023, nhưng mức dự báo này vẫn thấp hơn 0,9% so với mức dự báo mà định chế này đưa ra hồi tháng 6, do những gián đoạn mà Covid gây ra cộng thêm nhu cầu thị trường bên ngoài suy yếu.
“Cả ba đầu tàu tăng trưởng chính của thế giới là Mỹ, Eurozone và Trung Quốc, đều đang trải qua một thời kỳ suy yếu nghiêm trọng”, WB nhận định trong báo cáo.
WB nói rằng áp lực lạm phát toàn cầu đã bắt đầu giảm bớt vào cuối năm 2022, khi giá năng lượng và hàng hoá cơ bản dịu đi, nhưng cảnh báo rằng rủi ro xảy ra gián đoạn nguồn cung mới là cao và lạm phát lõi có thể cao dai dẳng. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương phản ứng bằng cách tăng lãi suất lên mức cao hơn so với dự kiến, khiến cho sự giảm tốc kinh tế toàn cầu càng thêm phần trầm trọng.