Thị trường chứng khoán châu Á khởi động năm 2023 trong trạng thái thị trường đầu cơ giá lên (bull market, hay còn gọi là “thị trường bò”)...
Một màn hình hiển thị bảng giá chứng khoán ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters.
Nhà đầu tư trong khu vực đang hứng phấn khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm theo đuổi Zero Covid, nới kiểm soát đối với các công ty công nghệ, và thể hiện quyết tâm kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Phiên giao dịch ngày 11/1, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản có lúc tăng 0,82%, đạt 538,56 điểm, cao nhất 6 tháng. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản tăng 1%. Chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Australia tăng 0,9%.
Trước đó, MSCI châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 2,5% trong phiên ngày 10/1, nâng tổng mức tăng từ đáy thiết lập hôm 24/10 lên 24,6%. Thị trường đầu cơ giá lên được định nghĩa là khi một tài sản tăng giá từ 20% trở lên so với mức đáy gần nhất.
Sự phục hồi này của chứng khoán châu Á được thúc đẩy bởi tâm trạng hào hứng của giới đầu tư trong khu vực khi nhìn về thị trường Trung Quốc. Ngày 10/1, chỉ số MSCI Trung Quốc tăng 2,4%, đạt mức cao hơn 50% so với mức đáy vào hôm 31/10. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông cũng tăng 38% trong cùng khoảng thời gian.
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index của sàn Nasdaq, một thước đo giá cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, hiện đã tăng hơn 70% so với mức đáy ở thời điểm cuối tháng 10.
Giới đầu tư mua mạnh cổ phiếu Trung Quốc khi nước này cấp tập dỡ bỏ chính sách chống dịch hà khác Zero Covid. Hôm Chủ nhật vừa rồi, lần đầu tiên sau gần 3 năm Trung Quốc mở cửa biên giới cho người nhập cảnh từ nước ngoài.
Các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley cho biết đã nâng mục tiêu giá cổ phiếu các công ty Trung Quốc và “kỳ vọng Trung Quốc sẽ là thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới năm 2023”.
Trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc giờ đây là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sau khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã hứng chịu nhiều tổn thất từ sự sụt giảm nhu cầu do Zero Covid và cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành bất động sản. Phần lớn giới chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ bắt đầu khởi sắc từ quý 2 năm nay, sau quý 1 chật vật vì làn sóng lây nhiễm Covid sau khi mở cửa trở lại.
“Việc Trung Quốc bất ngờ dỡ bỏ các hạn chế chống Covid đang mở đường cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế nhanh hơn dự kiến”, một báo cáo của ngân hàng UBS nhận định. Tuy nhiên, UBS nhận định rằng tiến trình mở cửa của Trung Quốc sẽ nhiều gập ghềnh vì làn sóng lây nhiễm dần cao, dù số ca nhiễm mới có thể đã đạt đỉnh ở một số khu vực nhất định.
Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng khép lại chiến dịch siết chặt kiểm soát đối với các công ty công nghệ bắt đầu vào năm 2020. Động thái này có thể mang lại một “cú huých” quan trọng đối với nền kinh tế và việc tạo công ăn việc làm.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đã ở trong môi trường pháp lý siết chặt kể từ cuối năm 2020, khiến các nhà đầu tư không ngừng bán tháo cổ phiếu thuộc nhóm này. Năm 2021-2022, chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index giảm tương ứng 46% và 25%.
Tại một cuộc họp chính sách quan trọng vào tháng 12 vừa qua, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc cũng phát tín hiệu sẽ triển khai các biện pháp mới để cải thiện điều kiện tài chính cho ngành bất động sản và củng cố niềm tin của thị trường.
“Chúng tôi tin rằng động lực tiến tới mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ báo hiệu tốt cho triển vọng đầu tư trong 6-12 tháng tới”, UBS nhận định.