Với quy mô giao dịch chỉ hơn 3.000 tỷ đồng trong phiên sáng, VN-Index vẫn chỉ ưu tiên cho những chuyển động giằng co tại khu vực 1.050 điểm. Sau 6 phiên liên tiếp đi ngang, quỹ đạo thị trường cũng chưa có sự thay đổi. Vận động nhóm ngành cũng đang có thêm sự nhen nhóm khởi sắc tại các cổ phiếu Dầu khí.
Định vị thị trường
Tới phiên giao dịch hôm qua 11/1, VN-Index đã đi ngang liên tiếp 6 phiên ở quanh vùng 1.050 điểm trong khi đó các chỉ số được xem là tốt nhất châu Á là Hang Seng, SET đang bước vào nhịp điều chỉnh sau khi cùng bứt phá khỏi đường MA200. Một số chỉ số đi sau như KLSE và TWSE hiện cũng đã dần tiệm cận trở lại đường MA200.
Diễn biến chỉ số Hang Seng.
Các diễn biến của chứng khoán Mỹ trước khi có số liệu CPI tháng 12 cũng đang khá tích cực với việc S&P 500 tăng 1,28% và dần áp sát trở lại đường MA200. Rõ ràng vào lúc này, xu hướng của VN-Index vẫn đang trễ hơn so với các chỉ số kể trên. Theo thống kê, tỷ lệ các mã giao dịch trên MA200 vẫn chỉ dừng lại ở mức 14%, tương đương chỉ có hơn 55 mã.
Tỷ lệ các mã trên MA200 vẫn đang giậm chân ở mức 14%.
Chất xúc tác
Những chủ đề chính trong những ngày trước Tết là dòng tiền ngoại, đầu tư công và đáo hạn phái sinh vẫn đang là mạch chủ đạo trong các giao dịch trên thị trường. Đầu tiên là câu chuyện khối ngoại, theo thống kê, phiên mua ròng ngày hôm qua là phiên giải ngân thứ 13 liên tiếp của khối này. Với riêng VN30, hiện cũng đang có phiên mua ròng thứ 8 liên tiếp.
Dù chưa thể tạo ra được sự bứt phá cho VN30 nhưng tính từ đầu năm thì chỉ số VN30 đã tăng gần 6% và đang là bệ đỡ quan trọng cho nhà đầu tư có thể giao dịch ở cả nhóm VN30 cũng như các nhóm cổ phiếu khác.
Với nhóm cổ phiếu Đầu tư công, sự chững lại ở phiên hôm qua không phản ánh tâm lý chốt lời, bởi thanh khoản vẫn được duy trì khá tốt. Chuyển động của nhóm VN30 và dòng tiền dưới tác động của tiền ngoại cũng như các trụ lớn trước kỳ đáo hạn phái sinh vẫn là sự tham chiếu để hành động với các cổ phiếu này.
Tính trong tuần này, hiện
VIC đang giảm gần 1,8%,
VCB tăng 1,32%,
VHM tăng 1,8%, MSN tăng 0,21% còn
VNM giảm 0,5%.
Vận động nhóm ngành
Trong phiên sáng 12/1, VN-Index vẫn đang trong trạng thái giằng co khi các mã lớn như MSN,
VCB giảm trái chiều với
VHM, ACB, BVH. Chỉ số không được định hướng một cách rõ ràng nên độ rông đang ghi nhận sự chiếm ưu thế của sắc đỏ với tỷ trọng chiếm hơn 50% tại thời điểm 11h.
Các cơ hội giao dịch ở nhóm Midcap và Penny vẫn xuất hiện nhưng có sự rời rạc và không dành cho số đông nhà đầu tư. Những trường hợp như
PVD (+4,5%), PC1 (+3,57%), KBC (+1,8%),
POW (+2,58%) đang tăng khá tốt nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự kiên nhẫn và dám đặt cược ở các phiên trước.
PVD có thể xem là điển hình sau khi đã lấy lại xu hướng dài hạn từ phiên 4/1 nhưng ngay sau đó là các phiên điều chỉnh đan xen để kiểm tra cung cầu.
Ở phiên sáng nay,
PVD còn nhận được hậu thuẫn nhóm ngành tốt hơn với
PVT (+1,7%) cũng trên HNX và
PVS (+3,49%),
PVC (+8,76%),
PVB (+4,9%) cũng tỏ ra rất tích cực trên HNX. Hiện đang có khá nhiều doanh nghiệp ra số liệu ước tính cho cả năm 2022 trong đó
PVD ước tính doanh thu tăng 38%, đạt 5.500 tỷ đồng.
Tính đến cuối phiên sáng, VN-Index đang giảm 0,49 điểm xuống 1.055,27 điểm (-0,05%). Thanh khoản đang rất yếu khi chỉ đạt 3.074 tỷ đồng trong khi đó khối ngoại mới đang mua ròng 132 tỷ đồng với ưu tiên giải ngân là HPG (+48,56 tỷ đồng).
Diễn biến VN-Index sáng 12/1.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt tăng 0,21% và giảm 0,06%. Tổng giá trị giao dich 2 sàn này đang đạt gần 700 tỷ đồng.