Theo tờ Jakarta Post ngày 31/10, Indonesia đã khởi xướng điều tra đối với các sản phẩm dệt may nhập khẩu như một động thái ban đầu để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước trước các sản phẩm ngoại nhập.
Sản phẩm sợi vải. Ảnh minh họa: TTXVN
Dưới sự quản lý của Bộ Thương mại, Ủy ban Bảo vệ Thương mại Indonesia (KPPI) đang dẫn dắt cuộc điều tra sau khi nhận được yêu cầu chính thức từ Hiệp hội Dệt may Indonesia (API) hồi tháng Chín vừa qua.
Bên cạnh việc thị phần của các nhà sản xuất nội địa bị thu hẹp, số lượng lao động của ngành dệt may trong nước ngày càng sụt giảm cũng là một trong những yếu tố mà Bộ Thương mại xem xét khi khởi xướng điều tra.
Trong một thông cáo báo chí ngày 31/10, quyền Chủ tịch KPPI Nugraheni Prasetya Hastuti cho biết: “KPPI đã tìm thấy dấu hiệu sơ bộ về tác hại nghiêm trọng, hoặc mối đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp trong nước do nhập khẩu hàng dệt may tăng mạnh”.
Các sản phẩm bị điều tra bao gồm vải dệt thoi bằng bông, sợi filam nhân tạo, chỉ khâu bằng bông, sợi bông và vải dệt từ sợi filam nhân tạo. Trích dẫn dữ liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), Bộ Thương mại cho hay nhập khẩu các sản phẩm này đã tăng lên 29.908 tấn trong bốn năm qua từ mức chỉ 14.843 tấn vào năm 2019.
Dữ liệu từ Bản đồ Thương mại của Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy nhập khẩu sản phẩm bằng bông của Indonesia đã đạt 2 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 515.774 USD, chiếm hơn 24%, tiếp theo là Australia và Brazil với giá trị lần lượt là 415.948 USD và 370.671 USD.
Cuộc điều tra này là một phần trong các biện pháp tự vệ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép và thường được các quốc gia thành viên tiến hành. Cuộc điều tra có thể kết thúc với lệnh cấm nhập khẩu đối với một mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy hàng nhập khẩu đang gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước, KPPI có thể đề xuất biện pháp ứng phó lên các cơ quan liên quan.
Theo ông Nugraheni, có thể thấy trước mối đe dọa và tổn hại nghiêm trọng từ hàng dệt may nhập khẩu dựa vào một số chỉ số liên quan đến hoạt động của ngành này trong giai đoạn 2019-2022, như sản lượng, doanh số bán hàng nội địa, công suất sử dụng và mức sụt giảm lợi nhuận. KPPI cho biết đã mời tất cả các bên liên quan đăng ký tham gia trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra.
Ngành dệt may Indonesia đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, giữa lúc các công ty ghi nhận doanh thu xuất khẩu giảm mạnh do nhu cầu từ các thị trường nước ngoài sụt giảm, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Trong khi đó, thị trường trong nước lại tràn ngập quần áo nhập khẩu khi các nước sản xuất dệt may lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Bangladesh (Băng-la-đét) tranh giành thị phần trên thị trường toàn cầu đang bị thu hẹp.
Hồi tháng Sáu, API cho hay khoảng 12.000 công nhân từ năm công ty dệt may sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cắt giảm chi phí trong quý III năm nay. Các công ty dệt may Indonesia đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng sa thải nhân công hàng loạt bằng cách tiết giảm chi phí sản xuất và vận động hành lang để cải thiện các chính sách và đạo luật nhằm hạn chế nhập khẩu, đặc biệt là đối với những mặt hàng bất hợp pháp. Nhiều công ty dệt may trong nước đã phải cắt giải hơn 50% nhân công, trong khi một số công ty phải ngừng hoạt động.
Theo thống kê năm 2020, lĩnh vực này của Indonesia sử dụng khoảng 1,1 triệu lao động, chiếm hơn 18% tổng số lao động của các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.
Hữu Chiến