• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.265,05 +5,42/+0,43%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.265,05   +5,42/+0,43%  |   HNX-INDEX   223,01   +0,34/+0,15%  |   UPCOM-INDEX   94,30   +0,42/+0,45%  |   VN30   1.337,59   +5,05/+0,38%  |   HNX30   463,85   -0,44/-0,09%
26 Tháng Giêng 2025 2:45:50 CH - Mở cửa
Thuế tối thiểu toàn cầu và bài toán giữ chân ‘đại bàng’
Nguồn tin: Saigon Times | 20/11/2023 2:00:00 CH
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cơ hội tăng thu ngân sách từ phần thuế bổ sung, tránh cạnh tranh và giảm – chuyển giá, lợi nhuận, nhưng áp thuế mà ban hành chính sách ưu đãi dễ dẫn tới nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn, dự án sang nước khác, theo các đại biểu Quốc hội và chuyên gia.
 
 
Con đường bắt buộc phải đi
 
Sau khi ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thay mặt Chính phủ trình Dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung – theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu – với mức thuế tối thiểu được áp dụng là 15% cho các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu đô la Mỹ) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, vì đó là “luật chơi chung”, không thể né tránh.
 
Việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, theo các đại biểu Quốc hội, cũng là cách để Việt Nam vừa chủ động giành quyền đánh thuế, vừa tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
 
Ông Lê Quang Mạnh Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho rằng để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2024, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam, thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.
 
Ngoài ra, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1-1-2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
 
Ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đánh giá việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết, vì Việt Nam không thu thuế này thì các nước khác cũng thu, qua đó bỏ lỡ khoản thuế khoảng 14.600 tỉ đồng.
 
Thực tế, bản chất của thu thuế tối thiểu toàn cầu là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vốn đang được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, sẽ phải nộp thêm khoản thuế bổ sung để đủ mức 15% theo quy định của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
 
Với yêu cầu này, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng Việt Nam cần áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hơn nữa, theo giải trình của Bộ Tài chính thì thuế tối thiểu toàn cầu không mâu thuẫn với quy định về bảo hộ đầu tư với các quy định về đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, đối xử đầu tư, bồi thường thiệt hại, trưng dụng, chuyển tiền và thế quyền của các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết.
 
Cũng theo đại biểu Yên, thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là khoản thuế mới, bổ sung thêm so với thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và chưa được quy định trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
 
Do đó, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết quy định về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo đề nghị của Chính phủ. Điều này cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời cũng hạn chế được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
 
Về thời điểm áp dụng chính sách này, vị này cho rằng nên áp dụng từ năm tài chính 2024, trùng với lộ trình chung của các nước và tương tự đề nghị của Chính phủ.
 
Về phía ngành tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thuế tối thiểu toàn cầu không phải điều ước, cam kết quốc tế và không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.
 
Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp thuế tức từ bỏ quyền định thuế và doanh nghiệp sẽ nộp bổ sung về chính quốc – nơi họ đặt trụ sở chính công ty mẹ. Ngược lại, việc áp thuế này sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung, và hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá.
 
Bài toán giữ chân nhà đầu tư chất lượng cao
 
Đồng tình với việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung từ năm 2024, nhưng đại biểu Tạ Thị Yên cũng cho biết nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được hưởng những ưu đãi nhất định về thuế thu nhập doanh nghiệp xuyên suốt vòng đời dự án, kể cả khi đã hết thời hạn về ưu đãi thuế. Vì vậy, việc áp dụng chính sách mới này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, lợi nhuận, thời gian hoàn vốn của dự án…
 
Ưu đãi về thuế sụt giảm so với quá khứ cũng khiến ông Vũ Tuấn Anh lo ngại nếu các nhà đầu tư nước ngoài có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang quốc gia khác nếu chỉ thấy “Việt Nam tăng thu, mà không hỗ trợ trở lại”.
 
Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trở lại để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư. Các chính sách này hiện chưa được Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội.
 
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng Việt Nam thu thuế bổ sung thì cần nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Việc này để nhà đầu tư thấy họ không còn được hưởng ưu đãi thuế, sẽ có các ưu đãi khác giúp giảm chi phí.
 
Do đó, dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung cần đưa ra được tín hiệu này, giao Chính phủ nghiên cứu phương án ưu đãi cụ thể.
 
“Đây là động thái cho nhà đầu tư biết rằng họ sẽ được hưởng thêm các chính sách khác khi áp thuế tối thiểu toàn cầu”, đại biểu Cường nói.
 
Thực tế, trước khi các đại biểu nêu vấn đề này, đại diện một số doanh nghiệp FDI, như Canon Việt Nam, cũng từng kiến nghị cơ quan quản lý cân nhắc các chính sách khác, nhằm đảm bảo doanh nghiệp được những ưu đãi theo luật, cũng như những cam kết với doanh nghiệp trước đó để giữ dòng vốn và thu hút đầu tư mới.
 
Ngoài ra, những ưu đãi về thuế cũng dần kém hấp dẫn với các doanh nghiệp FDI. Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội, cho biết chỉ 24% doanh nghiệp Nhật Bản thấy các chính sách ưu đãi về thuế hấp dẫn. Tỷ lệ này cũng gần tương tự kết quả điều tra của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) với mức 28%.
 
Để giải quyết vấn đề, đại biểu Tạ Thị Yên, góp ý là sau khi áp dụng, Bộ Tài chính cần đánh giá tác động đến thu ngân sách để cân đối lại với kế hoạch trung hạn 2021-2025, nhằm tăng chi cho đầu tư phát triển.
 
Với nguồn thu bổ sung cho ngân sách Nhà nước từ sắc thuế doanh nghiệp bổ sung, Đại biểu Yên đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng như ngưỡng thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao, kể cả từ các nước.
 
“Việc này nhằm khoan thư sức dân, kích cầu tiêu dùng, kích thích phát triển kinh tế theo xu thế chung và định hướng cải cách chính sách thuế”, đại biểu Yên nói.
 
Còn ông Takeo Nakajima đề xuất Chính phủ chú trọng ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp FDI nhỏ và vừa, vốn là đối tượng không chịu thuế tối thiểu toàn cầu, thay vì chỉ tập trung vào doanh nghiệp lớn.
 
“Dù vốn không nhiều, nhưng họ có công nghệ và có thể thúc đẩy chuyển đổi công nghệ tại Việt Nam”, ông nói.
 
Đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, chi phí hành chính ở Việt Nam cao, nên nếu giảm được cũng là khoản tiết kiệm cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam nên có những ưu đãi cho các dự án điện tái tạo, năng lượng sạch, vì đây là những chính sách vừa có thể làm được, vừa giúp đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, vừa giúp thu hút đầu tư nước ngoài.
 
Amcham cũng khuyến nghị Việt Nam hoàn thiện hệ thống kế toán theo chuẩn mực toàn cầu nhằm tích hợp với chính sách thuế mới.
 
Lưu ý về hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, ông Vũ Tuấn Anh cho biết hiện OECD có chính sách chống chuyển lợi nhuận sang các quốc gia “thiên đường thuế” (thuế suất thấp – PV), nên việc lấy trực tiếp khoản thu thêm để hỗ trợ doanh nghiệp là không khả thi vì vi phạm quy định của tổ chức này.
 
“Đây là vấn đề khó, cần nghiên cứu kỹ để giữ chân nhà đầu tư cũ thu hút vốn mới, không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư”, ông Tuấn Anh nói.