Theo Báo cáo của Oxfam, 1% những người giàu nhất trên toàn cầu, tương đương 77 triệu người, chịu trách nhiệm cho 16% lượng khí thải liên quan hoạt động tiêu dùng.
Theo một báo cáo công bố ngày 19/11 của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam International, 1% những người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm cho lượng khí thải carbon bằng 2/3 dân số nghèo nhất, tương đương với trên 5 tỷ người.
Theo đồng tác giả của báo cáo Max Lawson, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một thách thức chung, nhưng không phải tất cả mọi người có trách nhiệm như nhau và chính sách của các chính phủ cần được xây dựng một cách phù hợp.
Những người càng giàu càng dễ dàng giảm lượng khí thải từ hoạt động tiêu dùng cá nhân và từ các hoạt động đầu tư.
Chủ tịch COP27 nhấn mạnh rằng "điều quan trọng là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng một cách công bằng, có tính đến an ninh năng lượng và thúc đẩy sự phát triển bền vững."
Báo cáo "Bình đẳng Khí hậu: Một hành tinh của 99% dân số" dựa trên nghiên cứu do Viện Môi trường Stockholm, đánh giá về khí thải gắn với các nhóm thu nhập tính đến năm 2019.
Báo cáo được công bố khi các nhà lãnh đạo trên thế giới chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về khí hậu tại Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) tại Dubai vào cuối tháng này.
Những lo ngại đang gia tăng về việc khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C có thể sớm không đạt được.
Trong số các nội dung chính của báo cáo là việc 1% những người giàu nhất trên toàn cầu, tương đương 77 triệu người, chịu trách nhiệm cho 16% lượng khí thải liên quan đến hoạt động tiêu dùng.
Con số trên là tương đượng lượng khí thải từ 66% dân số nghèo nhất trên toàn cầu tính theo thu nhập, hay 5,11 tỷ người.
Ngưỡng thu nhập để nằm trong 1% những người giàu nhất được điều chỉnh tùy theo các quốc gia dựa trên sức mua ngang giá.
Tại Mỹ, ngưỡng này là 140.000 USD, trong khi tại Kenya là khoảng 40.000 USD.
Ông Lawson nói thông điệp chính là các hành động chính sách cần được đẩy mạnh. Theo ông, các chính phủ cần ban hành những chính sách yêu cầu những người thải ra lượng khí thải nhiều nhất phải chấp nhận những hy sinh lớn nhất.
Các biện pháp mà ông đề cập đến là đánh thuế những người bay hơn 10 lần mỗi năm, hay đánh thuế các khoản đầu tư không "xanh" cao hơn nhiều so với các khoản đầu tư "xanh."
Cũng về vấn đề bảo vệ môi trường, những người tham dự ngày 19/11 cho biết vòng đàm phán thứ ba của Liên hợp quốc về hiệp định đầu tiên của thế giới trong việc kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa đã thu hút trên 500 đề xuất từ các chính phủ.
Các nhà đàm phán sẽ có thời gian đến cuối năm tới để đạt thỏa thuận về kiểm soát rác thải nhựa, với ước tính là 400 triệu tấn mỗi năm.
Ngành sản xuất nhựa, các nước xuất khẩu dầu mỏ và hóa chất như Nga và Saudi Arabia cho rằng một thỏa thuận toàn cầu sẽ thúc đẩy quá trình tái chế và tái sử dụng nhựa, nhưng các nhà vận động về môi trường và một số chính phủ nói điều đầu tiên là cần giảm nhu cầu./.