Thị trường chứng khoán vừa ghi nhận tuần biến động khá mạnh khi chứng kiến các phiên liên tục tăng giảm trong biên độ lớn, đặc biệt trong phiên ATC.
Biến động mạnh trong phiên ATC đã diễn ra trong tuần qua. Ảnh Gia Huy
Chứng khoán tuần qua liên tục ghi nhận diễn biến VN-Index đi quanh tham chiếu cả ngày, sau đó bất ngờ biến động mạnh ở phiên ATC. Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tuần, thanh khoản mua chủ động gia tăng tốt đã giúp cho VN-Index có được sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành, đẩy chỉ số chung tiệm cận lại khu vực 1.110 điểm.
Tuy nhiên, với tâm lý thận trọng và dư địa của áp lực chốt lời ngắn hạn, thị trường đã có phần hụt hơi trong 2 phiên kế tiếp trước khi chịu áp lực bán mạnh và bất ngờ vào phiên ngày 23/11.
Theo trong phiên ngày Thứ năm, tâm lý thăm dò chiếm ưu thế trên thị trường khiến VN-Index biến động không quá mạnh trong phần lớn thời gian giao dịch. Chỉ số này chủ yếu đi quanh vùng 1.112 - 1.120 điểm từ sáng đến nửa đầu buổi chiều. Dù vậy, sang đến phiên ATC, bảng điện bắt đầu phủ đầy lệnh bán và VN-Index rớt thẳng đứng, sau đó chốt phiên ở 1.088,5 điểm, giảm hơn 25 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên chỉ số lùi sâu nhất kể từ ngày 26/10, tức gần một tháng qua.
Kịch tính lại xảy ra trong phiên cuối tuần khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh ATC, nhưng hoàn toàn trái ngược phiên trước đó, lực cầu bất ngờ xuất hiện những phút cuối phiên giúp VN-Index phục hồi và đóng cửa ở 1.095,6 điểm, tích lũy hơn 7 điểm.
Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.095.61 điểm, giảm 5,58 điểm, tương đương với 0,51% so với tuần trước. Xét theo mức độ đóng góp, MSN, TCB và VNM là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng MSN đã lấy đi hơn 0,5 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, SAB, BID và HPG là những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng SAB đã bù lại hơn 0,8 điểm cho chỉ số.
Giá trị giao dịch bình quân phiên (tính trên cả 3 sàn) trong tuần ở mức 21.161 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tuần trước nhưng tăng 14,6% so với trung bình 5 tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khá mạnh trong tuần với giá trị 902,24 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng khá mạnh cổ phiếu ngân hàng VPB.
Tuần qua, các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực nhất khi hầu hết giảm điểm, thanh khoản thấp như STB (-3,58%), TCB (-3,53%), ACB (-2,86%), SHB (-2,23%)...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có 2 phiên giao dịch biến động mạnh cuối tuần, tuy nhiên kết thúc tuần đa số vẫn tăng giá tốt so với tuần trước, thanh khoản tăng mạnh như BSI (+8,83%), VDS (+5,96%), CTS (+5,81%), VND (+5,19%), MBS (+4,37%)... Các cổ phiếu bất động sản bị chốt lời nhẹ sau khi tuần trước đó là tăng tích cực, với QCG (-7,47%), ITC (-5,12%), LGL (-3,33%),…
SHS nhận định thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục và sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy. Nếu VN-Index lấy lại mốc 1.100 điểm, nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân vào các mã thu hút dòng tiền nhưng với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi phục kỹ thuật có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Trong trung, dài hạn, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.
Về góc nhìn kỹ thuật, VCBS cho rằng tuy thị trường đảo chiều lấy lại sắc xanh trong phiên cuối tuần sau khi chạm khu vực hỗ trợ quanh 1.080, tuy nhiên rủi ro ngắn hạn vẫn đang tiềm ẩn. Trong trường hợp tích cực, VN-Index vẫn sẽ tiếp tục biến động sideway quanh khu vực 1.080 – 1.130. Nhóm phân tích này khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, chỉ giải ngân bắt đáy từ 20 – 30% tài khoản đổi với các cổ phiếu có tín hiệu bật nảy tại vùng hỗ trợ và chủ động lên kế hoạch giao dịch lướt sóng T+ trong ngắn hạn.
Tương tự, VDSC dự báo thị trường sẽ có diễn biến thận trọng tại vùng 1.095 – 1.100 điểm và tín hiệu sụt giảm mạnh gần đây vẫn có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị trường trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư tạm thời không nên mua đuổi theo các cổ phiếu đã tăng giá nhanh và cần thận trọng trước rủi ro tiềm ẩn. Hiện tại, vẫn cần cân nhắc chốt lời và cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Khánh An