CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) và CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) là hai “ông lớn” thống lĩnh thị trường xây dựng, nhưng “sức khỏe” của 2 doanh nghiệp này cũng như thị giá cổ phiếu đang ghi nhận diễn biến trái chiều.
Sở hữu năng lực vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại, Xây dựng Hòa Bình và Coteccons đã bứt phá lên so với các doanh nghiệp cùng ngành, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cũng như tốc độ mở rộng quy mô hoạt động.
Cổ phiếu lao dốc cùng kết quả kinh doanh
Cũng như Xây dựng Hòa Bình, Coteccons đã có giai đoạn 2008 - 2017 với nhiều kết quả được đánh giá là 10 năm đỉnh cao.
Coteccons đã có giai đoạn 2008 - 2017 với nhiều kết quả được đánh giá là 10 năm đỉnh cao.
Doanh thu của Coteccons tăng từ 13.669 tỷ đồng năm 2015 lên 27.153 tỷ đồng vào năm 2017, lợi nhuận sau thuế tăng từ 733 tỷ đồng lên 1.653 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu của Xây dựng Hòa Bình năm 2017 gấp 3 lần năm 2015 với 16.048 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gấp 10 lần, đạt 859 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2018, cùng với diễn biến kém khả quan của thị trường bất động sản, tình hình kinh doanh của 2 nhà thầu lớn nhất nước bắt đầu đi xuống. Coteccons lần đầu ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm kể từ năm 2011 và Xây dựng Hòa Bình báo lãi giảm 27% sau 5 năm liên tục tăng.
Thậm chí, tới năm 2021, cả doanh thu và lợi nhuận của Coteccons tiếp tục sụt giảm. Đáng chú ý hơn, từ một doanh nghiệp có tài chính mạnh bậc nhất Việt Nam với trữ tiền mặt thường xuyên trên 30% tổng tài sản, không có bất kỳ khoản nợ vay nào (dữ liệu công khai từ năm 2006), doanh nghiệp này đã bắt đầu xuất hiện những khoản nợ vay tài chính và tiếp tục kéo dài trong năm tiếp theo.
Xây dựng Hòa Bình cũng không khá hơn khi kết quả kinh doanh quý IV/2022 được công bố khiến cổ đông “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa” với lỗ sau thuế 1.200 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế cả năm 1.140 tỷ đồng. Sau kiểm toán, số lỗ sau thuế cả năm 2022 lên tới 2.570 tỷ đồng. Số lỗ này thậm chí còn lớn hơn tổng lợi nhuận sau thuế trong 4 năm đỉnh cao của doanh nghiệp (2016 – 2019: 2.453 tỷ đồng) và khiến doanh nghiệp chịu khoản lỗ lũy kế lên tới 2.100 tỷ đồng.
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh sa sút chưa được cải thiện, gánh nặng nợ tăng vọt, thị giá cổ phiếu của 2 “ông trùm” nhà thầu xây dựng cũng lao dốc.
Theo đó, cùng trỗi dậy từ năm 2015 để lập đỉnh vào cuối năm 2017, nhưng cổ phiếu CTD và HBC đều đã giảm hơn 70%. Trong khi cổ phiếu CTD giảm từ mức đỉnh 225.000 đồng/cp về 53.200 đồng/cp, tức giảm 76% thì cổ phiếu HBC giảm gần 70% so với giá tại thời điểm đầu năm 2022 và kết năm 2022 ở dưới mệnh giá.
Diễn biến trái chiều
Quý III vừa qua, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh thị trường bất động sản dù đã có một số chuyển biến song chưa thoát khỏi tình trạng trầm lắng. Bên cạnh đó, tác động của việc giải ngân đầu tư công đến các doanh nghiệp xây dựng cũng chưa được như kỳ vọng.
Theo đó, kết quả kinh doanh của các “ông lớn” trong ngành có sự phân hóa, song nhìn chung vẫn chưa có nhiều khởi sắc, một số doanh nghiệp có lãi nhưng mức lợi nhuận không cao, trong khi một số vẫn thua lỗ.
Xây dựng Hòa Bình cũng không tránh khỏi “tâm bão”. Theo báo cáo tài chính quý III/2023 vừa công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.893 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Công ty báo lỗ sau thuế hơn 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 5,5 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ tư liên tiếp của Xây dựng Hòa Bình.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.356 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 884 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 62 tỷ đồng, qua đó nâng tổng số lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2023 lên tới 2.980 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tăng cũng khiến cho vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình giảm 71% so với đầu năm còn 352,3 tỷ đồng. Đồng thời, lỗ lũy kế của công ty đã vượt mức vốn điều lệ (2.741 tỷ đồng).
Cùng với kết quả kinh doanh xám xịt, cổ phiếu HBC cũng ghi nhận đà giảm mạnh từ đầu năm đến nay và vẫn giao dịch dưới mệnh giá ở mức 8.310 đồng/cp.
Chiều ngược lại, ngay từ giai đoạn đầu năm 2023, cổ phiếu CTD được chú ý khi Coteccons dẫn đầu liên danh Hoa Lư tham gia dự thầu gói thầu nhà ga hành khách sân bay Long Thành, tăng 130% trong vòng 4 tháng (tháng 3 - 7). Sau khi kết quả gói thầu được công bố và Hoa Lư bị loại, CTD có chịu áp lực điều chỉnh nhưng chỉ giảm hơn 25% rồi bật tăng trở lại.
Kết phiên 21/11, thị giá cổ phiếu CTD tăng lên mức 66.000 đồng/cp – cao nhất kể từ tháng 4/2022. Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường điều chỉnh từ tháng 9 tới nay, CTD là một trong số ít các mã “ngược dòng”, tăng 38%. Còn tính từ vùng đáy hồi tháng 11/2022, cổ phiếu CTD đã tăng tới hơn 240%. So với các cổ phiếu cùng ngành khác như HBC, HUT (Tasco), VCG (Vinaconex), DPG (Đạt Phương), HTN (Hưng Thịnh Incons)..., CTD có hiệu suất đầu tư vượt trội hơn hẳn.
Mặc dù ngành xây dựng vẫn đang phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của Coteccons trong quý I niên độ tài chính mới (từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024) lại khả quan hơn nhiều doanh nghiệp trong ngành. Đây có thể chính là một phần động lực giúp CTD giữ được “phong độ”.
Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận của Coteccons trong quý đầu tiên của năm tài chính 2024 tiếp tục có những khởi sắc hơn so với quý liền trước và cùng kỳ năm 2022, với doanh thu thuần đạt 4.124 tỷ đồng, tăng 1.010 tỷ đồng, tương đương tăng 32,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 66,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế 3,5 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này cũng gấp hơn 2 lần lợi nhuận quý liền trước của Coteccons.
Tại báo cáo phân tích triển vọng cổ phiếu CTD mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng trong giai đoạn 2024-2026, lợi nhuận ròng của Coteccons sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 107%, từ mức nền thấp trong giai đoạn 2020-2023.
Mặc dù cho rằng CTD xứng đáng có một mức định giá tốt hơn nhưng BSC cũng nhận định Coteccons khó có thể đạt được mức nền lợi nhuận cao như giai đoạn tăng trưởng mạnh 2015-2019 (P/B trung bình 2x) do môi trường cạnh tranh của ngành xây dựng ngày càng gay gắt, việc thay đổi chủ sở hữu khiến cho Coteccons không có được lợi thế về mối quan hệ với một số chủ đầu tư, thị trường xây dựng công nghiệp tại Việt Nam còn khá eo hẹp... Do đó, CTD cũng sẽ khó có thể đạt được mức định giá cao như giai đoạn trước.
Hải Giang