Thứ Tư (01/11), Indonesia đã công bố lộ trình hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 đối với ngành điện lực, vốn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào than, nhằm đảm bảo nguồn tài trợ lên đến 20 tỷ USD.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á muốn cắt giảm lượng khí thải carbon xuống mức tối đa 250 triệu tấn đến năm 2030 so với mục tiêu trước đó là 290 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Indonesia muốn tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên 44%, so với mục tiêu ban đầu là 34%.
Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Indonesia đã được công bố vào năm ngoái, nhằm cung cấp nguồn tài trợ lên tới 20 tỷ USD (18,9 tỷ euro), đổi lại Indonesia phải hạn chế lượng phát thải của ngành điện đến năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Kế hoạch này dựa trên một mô hình được thử nghiệm lần đầu tiên ở Nam Phi, sau đó là Việt Nam và Senegal. Trong khuôn khổ của thỏa thuận, các nước phát triển cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng của các nước đang phát triển.
Nhưng theo các phương tiện truyền thông, Jakarta đang chỉ trích sự kết hợp của các nguồn tài trợ theo thỏa thuận JETP, vì lo ngại rằng họ sẽ chủ yếu nhận được các khoản vay với lãi suất thị trường và sẽ làm tăng thêm khoản nợ quốc gia.
Edo Mahendra, người đứng đầu Ban Thư ký JETP Indonesia, cho biết lộ trình do Indonesia đưa ra "là một tài liệu sống, có nghĩa là nó sẽ được cập nhật hàng năm".
Tài liệu này đang được công bố để tham vấn công chúng trước khi đệ trình tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (diễn ra từ 30/11 - 12/12).
Mỹ, Nhật Bản, Canada và 6 nước châu Âu đã ký thỏa thuận với Indonesia - một trong những nước xuất khẩu than và sản xuất nhiệt điện than hàng đầu thế giới - bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm ngoái tại Bali, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, những số liệu gần đây do Jakarta cung cấp trong tài liệu được công bố hôm thứ Tư (01/11) vẫn chưa kể đến một số nhà máy nhiệt điện than mới.
Ban Thư ký JETP cho biết, Indonesia và các nước đồng ký kết "cùng cam kết xác định và thực hiện các giải pháp khả thi cho tương lai".
Đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí, Indonesia đã cam kết sẽ không xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than từ năm 2023. Nhưng các nhà máy nhiệt điện than đã được lên kế hoạch trước đó vẫn sẽ tiếp tục xây dựng, bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường.