Sau khi Thương hiệu và Công luận đăng tải bài viết: “Hành trình xây dựng thương hiệu của OCB - Ngân hàng TMCP Đông Phương” và “Những gam màu trong hành trình xây dựng, phát triển thương hiệu OCB” liên quan đến hành trình xây dựng, phát triển thương hiệu đã nhận được nhiều phản hồi. Trong đó, vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đầu tư và tài chính của thương hiệu Ngân hàng Phương Đông được khách hàng, người tiêu dùng quan tâm hàng đầu.
Những năm gần đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (MCK:
OCB) gặp phải không ít thăng trầm về kinh doanh, đầu tư tài chính như: Nợ khó thanh khoản (có thể gọi là nợ xấu) ngày càng tăng, huy động vốn qua kênh trái phiếu, cấp tín dụng cho các dự án bất động sản trong đó có FLC và Đại Nam… Trong quý III/2023, mặc dù kết quả kinh doanh đầy “ấn tượng” nhưng nợ xấu của
OCB tăng lên 84,2% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu đã vượt “ngưỡng trần” theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đáng chú ý, thương hiệu
OCB này đang ‘sở hữu’ hơn 170.587 tỷ đồng bất động sản thế chấp và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng cao.
Nợ khó thanh khoản tăng vượt ‘ngưỡng trần’, OCB chạy đua với doanh thu như thế nào?
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2023 với kết quả kinh doanh đầy ấn tượng. Song cũng không hiểu vì sao, tổng nợ xấu nội bảng của thương hiệu
OCB này lại tăng lên mức “vượt trội” dẫn tới tỷ lệ nợ xấu vượt “ngưỡng trần” tăng vọt lên mức 3,74% so với hồi đầu năm 2023.
Điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh tài chính quý III/2023, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng Phương Đông đạt 1.865 tỷ đồng (tăng 6,6%) so với cùng kỳ năm 2022; Lãi từ hoạt động kinh doanh (KD) ngoại hối tăng 293% đạt 175 tỷ đồng; Lãi từ mua bán chứng khoán KD và đầu tư lần lượt đạt 398 triệu đồng (cùng kỳ năm ngoái âm 56 tỷ đồng) và 220 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái âm 11 tỷ đồng).
Trái ngược với mảng màu sáng đã dẫn chứng ở trên, lãi từ hoạt động dịch vụ của thương hiệu
OCB giảm 36%, chỉ đạt 171 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động khác giảm 52% đạt 37 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái…
Trong kỳ, Ngân hàng Phương Đông cũng trích lập hơn 312 tỷ đồng (giảm 13%) chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí hoạt động đạt 802 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, Ngân hàng Phương Đông báo lợi nhuận sau thuế đạt 1.083 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, nhà băng này có thu nhập lãi thuần đạt 5.434 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm; Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 783 tỷ đồng và chi phí hoạt động đạt 2.223 tỷ đồng, giảm 4% so với hồi đầu năm. Do vậy, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 của ngân hàng
OCB tăng vọt lên 47,7% đạt 3.130 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, tính đến ngày 30/09/2023, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng với mức ấn tượng đạt 6.034 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái âm 1.151 tỷ đồng); dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 160,4 tỷ đồng, tăng 168% so với cùng kỳ năm 2022; Vào cùng kỳ năm 2022, dòng tiền hoạt động tài chính của ngân hàng
OCB ghi nhận âm 7,7 tỷ đồng, tuy nhiên tại thời điểm ngày 30/09/2023 không thấy ghi nhận trên báo cáo tài chính nữa.
Tại thời điểm ngày 30/09/2023, tổng tài sản của Ngân hàng
OCB đạt 216.754 tỷ đồng, tăng gần 12% so với hồi cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 34% đạt 4.331 tỷ đồng và tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác tăng 26% đạt 23.163 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 9,5% lên 129.562 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2022.
Đặc biệt về chất lượng nợ vay, trong quý III/2023 tại thương hiệu
OCB cho thấy sự thay đổi lớn về tỷ lệ nợ khó thanh khoản (có thể gọi là nợ xấu). Theo đó, tổng nợ xấu của Ngân hàng Phương Đông tại thời điểm ngày 30/09/2023 đạt 4.921 tỷ đồng, tăng 2.250 tỷ đồng (tương đương tăng vọt lên 84,2% và gấp 1,84 lần) so với hồi đầu năm 2023.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng vọt hơn 198% - gấp 2,98 lần so với hồi đầu năm, lên tới 1.999 tỷ đồng (trong khi hồi đầu năm ở mức 671 tỷ đồng). Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng lên tới 127,3% - gấp 2,27 lần so với hồi đầu năm, lên tới 1.422 tỷ đồng (trong khi đầu năm đạt 626 tỷ đồng). Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đạt 1.499 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm 2023.
Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng Phương Đông tăng từ 2,23% hồi đầu năm lên mức 3,74% tại thời điểm 30/09/2023.
Đáng nói, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tại Ngân hàng
OCB tính đến cuối quý III/2023 tăng tới 26,7% so với đầu năm, từ 3.034 tỷ đồng tăng lên 3.846 tỷ đồng. Tuy chưa được xếp vào nhóm nợ xấu nhưng việc nợ cần chú ý nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng đang ở mức khá cao.
Nhìn các chỉ số tài chính trong BCTC của ngân hàng
OCB dễ dàng nhận ra, tổng nợ xấu bao gồm cả nợ có khả năng mất vốn đang lập kỷ lục kể từ năm 2015. Từ năm 2016 đến thời điểm 30/09/2023, cặp chỉ tiêu nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng
OCB ngày càng “phình to”. Thậm chí, từ quý I/2023 đến quý III/2023 tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã vượt “ngưỡng trần” theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể hơn, năm 2016 tổng nợ xấu của ngân hàng
OCB đạt 675,4 tỷ đồng, chiếm 1,75% tổng dư nợ cho vay. Năm 2017 đến năm 2022, cặp chỉ tiêu tổng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của
OCB lần lượt là: 864,5 tỷ đồng (1,79%) vào năm 2017; 1.288 tỷ đồng (2,28%) vào năm 2018; 1.309 tỷ đồng (1,84%) vào năm 2019; 1.508 tỷ đồng (1,69%) vào năm 2020; 1.349 tỷ đồng (1,32%) vào năm 2021 và 2.671 tỷ đồng (2,23% ) vào năm 2022.
Gần đây nhất, quý I/2023, tổng nợ xấu của ngân hàng
OCB đạt 4.045 tỷ đồng, chiếm 3,31% tổng dư nợ cho vay. Qúy II/2023, tổng nợ xấu của thương hiệu
OCB đạt 4.061 tỷ đồng, chiếm 3,18% tổng dư nợ cho vay.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng đặt "ngưỡng trần" nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác... Có thể thấy tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phương Đông đang vượt “ngưỡng trần” nêu trên.
Đã thu hồi nợ của FLC và Đại Nam, vì sao nợ khó thanh tăng vọt lên 3,4%?
Liên quan đến tới nợ xấu tại Ngân hàng Phương Đông, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra ngày 28/04/2023, cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo về khoản vay của FLC và Đại Nam.
Đại diện Ngân hàng
OCB cho biết, toàn bộ danh mục nợ của hai doanh nghiệp đã thu hồi xong. Các bước thu hồi chia làm 2 bước: Thứ nhất, thu hồi toàn bộ tài sản của các công ty này đã thế chấp tại
OCB đưa vào dạng gán nợ. Đây là hình thức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép, nghĩa là nhận tài sản thế chấp thay cho nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng. Cả 02 danh mục tài sản này đều đã có người mua, được quyền nộp tiền và bán tài sản cho bên thứ ba. Đến nay, toàn bộ tài sản của cả FLC và Đại Nam đều đã thu hồi.
OCB mua tòa nhà 265 Cầu Giấy để đầu tư tài sản, mua với giá hợp lý nên năm 2022 vừa qua khi FLC gặp khó khăn, chưa thực hiện thủ tục sang tên vào năm 2022,
OCB quyết dịnh dừng hợp đồng và FLC đã hoàn trả tiền cho
OCB bao gồm cả tiền phạt.
Thực tế, ngay từ đầu năm,
OCB đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Tuy nhiên, riêng trong quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu đã vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (3%). Theo đó, trong quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này ghi nhận mức 3,31% và chưa dừng lại ở đó, con số này tiếp tục tăng lên mức 3,74% tại thời điểm ngà 30/09/2023.
Đáng chú ý, tính đến ngày 30/06/2022 Ngân hàng
OCB đã có hơn 21.726,8 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, tăng 1,41% so với đầu năm 2023. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn từ 12 tháng tới 05 năm hơn 19.900 tỷ đồng và trái phiếu kỳ hạn từ 05 năm trở lên hơn 1.826,8 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Thương hiệu và Công luận, từ ngày 26/06/2023 đến ngày 28/09/2023, Ngân hàng TMCP Phương Đông đã thực hiện mua lại trước hạn 9 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.120 tỷ đồng.
Thương hiệu Ngân hàng
OCB “sở hữu” hơn 170.587 tỷ đồng bất động sản thế chấp cùng nhiều đối tác tín dụng bất động sản
Theo đó,BCTC Hợp nhất Soát xét 06 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 30/06/2023), thương hiệu
OCB đang nắm trong tay hơn 170.587 tỷ đồngbất động sản thế chấp, tăng 50,5 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022, chiếm 62% tổng tài sản thế chấp. Tốc độ tăng này còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng tín dụng tại
OCB trong năm 2021.
Thực tế, việc nắm giữ nhiều bất động sản thế chấp cũng gây khó khăn cho ngân hàng khi thực hiện phát mại do tính thanh khoản không cao và tồn tại nhiều rủi ro pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản. Ngoài ra, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) được thành lập năm 1996, có trụ sở chính tại số 41- 45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh do ông Trịnh Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Đình Tùng làm Tổng Giám đốc.
Hiện, ban lãnh đạo ngân hàng Phương Đông gồm: Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT; 06 thành viên HĐQT gồm ông Yoshizawa Toshiki, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Ngô Hà Bắc, ông Phan Trung, ông Kato Shin, ông Nguyễn Đình Tùng và 02 thành viên HĐQT độc lập: Ông Phan Tri Nguyên và ông Bùi Minh Đức.
Ban Giám đốc gồm: Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc và 05 Phó Tổng Giám đốc là ông Trương Đình Long, bà Huỳnh Lê Mai, ông Trương Thành Nam, ông Bùi Thành Trung, ông Nguyễn Văn Hương và bà Trương Ngọc Thanh.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Trong hoạt động kinh doanh, OCB có những bước đi đầy ấn tượng với hơn 160 sản phẩm dịch vụ và tiện ích trên kênh số OCB OMNI cung cấp đầy đủ, đa dạng các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư,…
Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, OCB gặp phải không ít thăng trầm về tài chính, kinh doanh và huy động vốn,… khiến người tiêu dùng quan tâm về các quyền lợi được hưởng khi đầu tư và ngân hàng này.