Cuộc lấn sân của vàng trang sức có thương hiệu đè bẹp các cửa hàng nhỏ lẻ thời hậu COVID-19.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng. Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11,9 tấn trong quý III/2023.
Vàng miếng vẫn là kênh trú ẩn an toàn
Kinh tế đi xuống khiến nhu cầu trang sức ở Việt Nam sụt giảm. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu vàng trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ, xuống còn 3 tấn trong quý III/2023. Tuy nhiên, nhờ nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng tăng trưởng 4% so với cùng kỳ lên mức 8,8 tấn trong quý III/2023 đã bù đắp cho sự tăng trưởng chung.
Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương kiêm Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương tại WGC, nhu cầu trang sức ở Việt Nam trong quý III ở mức thấp nhất kể từ năm 2021. “Lạm phát cao cùng mức độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự giảm giá của VND đã thúc đẩy các nhà đầu tư tận dụng mức điều chỉnh giá trong tháng 8 như mức khởi điểm an toàn để đầu tư chiến lược vào vàng thỏi và xu vàng như một kênh tích sản”, ông Shaokai Fan cho biết.
Trung tuần tháng 12, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 73,3 triệu đồng/lượng và 74,3 triệu đồng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng trong nước thời điểm này cao hơn 14,6 triệu đồng/lượng. Nhà đầu tư cá nhân vốn là những người luôn nhạy bén với các tín hiệu từ nhiều thị trường khác nhau. Tuy nhiên, họ vẫn ưu ái vàng, vì vàng luôn giữ vị thế là nơi trú ẩn an toàn để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh lạm phát tăng cao và sự bất ổn địa chính trị. Thực tế cũng cho thấy, các nhà đầu tư đã phòng ngừa lạm phát bằng cách đầu tư vào vàng thỏi và xu vàng, đẩy tăng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng tại Việt Nam trong quý III/2023.
Trong thời gian tới, trước tình hình còn nhiều yếu tố tác động sẽ làm cho giá vàng tiếp tục đi lên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu có nhịp giảm cũng sẽ là cơ hội gia tăng tích lũy cho các nhà đầu tư với mong muốn tìm nơi trú ẩn an toàn trong thời gian dài. Nếu so sánh giữa vàng và các tài sản khác, nhà đầu tư đang có xu hướng tháo chạy khỏi cổ phiếu, gửi tiết kiệm và thậm chí là trái phiếu doanh nghiệp.
Vàng trang sức: Sân chơi của những thương hiệu lớn
Trước năm 2020, khoảng 80% thị phần ngành trang sức Việt Nam thuộc về các cửa hàng bán vàng nhỏ lẻ truyền thống bởi phần lớn người dân có thu nhập trung bình thường tìm đến các cửa hàng nhỏ lẻ để mua những sản phẩm hợp với nhu cầu và túi tiền. Trong khi đó, các sản phẩm trang sức của những doanh nghiệp có thương hiệu chủ yếu dành cho những người theo xu hướng thời trang và tầng lớp trung lưu, thu nhập cao.
Tuy nhiên, sau 2 năm sàng lọc hậu COVID-19, thị trường trang sức xuất hiện nhiều khoảng trống mà doanh nghiệp nhỏ lẻ để lại. Sau đại dịch, nhiều cửa hàng phải đóng cửa do không còn chi trả được chi phí vận hành. Do đó, thị phần của các cửa hàng vàng nhỏ lẻ truyền thống đã giảm xuống còn 50%. Trong bối cảnh tầng lớp trung lưu - thượng lưu được dự báo sẽ tăng trong các năm tới và người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ưa chuộng trang sức có thương hiệu, thị trường trang sức Việt Nam dự kiến sẽ dần vắng bóng các cửa hàng trang sức truyền thống và nhường lại sân chơi cho các thương hiệu lớn trong ngành.
Vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường và năng lực tài chính vững chắc như
PNJ, DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu... đang cạnh tranh nhau khá gay gắt ở mảng này, thể hiện qua việc các cửa hàng trang sức mọc lên nhanh chóng. Trong số các tên tuổi lớn kể trên,
PNJ đang bỏ xa các đối thủ về số lượng cửa hàng. Tính đến tháng 10/2023,
PNJ có 394 cửa hàng (mở mới 38 cửa hàng và đóng 2 cửa hàng so với đầu năm), cao hơn hẳn so với 2 ông lớn cùng ngành là DOJI và SJC.
Nhờ đó, doanh nghiệp này luôn giữ vững vị thế là nhà bán lẻ trang sức hàng đầu Việt Nam với hơn 55% thị phần trên thị trường trang sức có thương hiệu. Trong tháng 10/2023, doanh nghiệp công bố doanh thu thuần đạt 3.008 tỉ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ và lãi ròng đạt 193 tỉ đồng, tăng 31,6%. Theo chia sẻ của đại diện
PNJ, kết quả kinh doanh tích cực là nhờ mùa cao điểm kinh doanh của lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ trang sức khi mùa cưới và mùa lễ hội diễn ra. Đồng thời, nhu cầu tích trữ vàng của người dân đang tăng lên trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm đáng kể và lo ngại các biến động kinh tế trên thế giới cũng kích thích doanh số bán vàng miếng của
PNJ.
Không chịu thua đối thủ, trong những năm gần đây DOJI cũng tập trung mở rộng hệ thống phân phối thông qua các phi vụ thâu tóm, đặc biệt là việc mua lại Công ty Thế Giới Kim Cương, qua đó có thêm hơn 100 cửa hàng và 34 chi nhánh trên toàn quốc. Nhờ những nỗ lực trên, DOJI đạt doanh thu 77.191 tỉ đồng trong năm 2022, giữ vị trí Top 1 doanh thu trên thị trường trang sức. Tuy nhiên, khi xét đến lợi nhuận sau thuế, DOJI vẫn theo sau
PNJ với lợi nhuận 1.061 tỉ đồng trong năm 2022, thấp hơn khá nhiều so với lợi nhuận của
PNJ là 1.811 tỉ đồng.
Trong khi đó, dù là anh cả trên thị trường, song kết quả lợi nhuận của SJC lại khá èo uột so với các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác. Báo cáo tài chính năm 2022 của SJC cho thấy, trong năm này doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hơn 27.150 tỉ đồng, nhưng lãi ròng bị thu hẹp chỉ còn 48,5 tỉ đồng, thấp hơn hẳn so với 2 thương hiệu lớn khác là
PNJ và DOJI.
Một yếu tố giúp
PNJ chiếm ưu thế về lợi nhuận so với các doanh nghiệp khác là nhờ việc đầu tư cả về hệ thống cửa hàng và phát triển nhiều dòng sản phẩm khác nhau như trang sức bạc, đá quý, đồng hồ... với nhiều mức giá từ trung cấp đến cao cấp phù hợp với phổ khách hàng rộng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phát triển khách hàng mới, chăm sóc khách hàng hiệu quả cùng các chiến lược hàng hóa phù hợp và chương trình tiếp thị bán hàng đa dạng, linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng thị trường, nhóm khách hàng mục tiêu.
Theo Statista, phân khúc trang sức đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam. Ước tính đến năm 2023, doanh thu từ buôn bán trang sức sẽ đạt con số ấn tượng 1,09 tỉ USD. Hơn nữa, thị trường dự kiến có tốc độ tăng trưởng hằng năm CAGR là 4,39% trong giai đoạn 2023-2026, vượt qua tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 3,68%.
Những số liệu trên cho thấy vàng trang sức là một thị trường giàu tiềm năng và sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài bước chân vào thị trường vàng trang sức Việt Nam. Vì thế, yếu tố đổi mới, sáng tạo và giá cả cạnh tranh rất quan trọng để các doanh nghiệp nội dẫn dắt thị trường, không để mất miếng bánh ngon ngay trên sân nhà.