Nợ xấu gia tăng, lãi suất hạ thấp, áp lực cạnh tranh khốc liệt khiến NIM ngân hàng thu hẹp mạnh trong năm qua. Để đối phó với áp lực giảm NIM, các nhà băng mạnh tay cắt giảm chi phí, tăng thu ngoài lãi.
Trong bối cảnh lãi suất ít biến động và chủ trương không tăng lãi suất cho vay, chuyên gia dự báo biên lãi thuần (NIM) khó có khả năng tăng mạnh trong năm nay. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh về lãi suất giữa các ngân hàng cùng với xu hướng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng khiến NIM khó có thể bứt phá.
“Nén” lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế
Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Theo khảo sát của NHNN, đến cuối năm 2024, lãi suất cho vay bình quân từ 6,7-9%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức 8,3-10,5%/năm của năm 2023 và khoảng 9-10,7%/năm của năm 2022.
Xu hướng giảm lãi suất được duy trì trong quý đầu năm 2025. Theo kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2025 vừa được Vụ Dự báo, Thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (NHNN) công bố, kết thúc quý I/2025, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND ghi nhận giảm nhẹ từ 0,08 - 0,1%. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND bình quân toàn hệ thống tiếp tục giảm nhẹ từ 0,03 - 0,08% trong quý II/2025 và cả năm 2025.

Các nhà băng có sự đầu tư lớn về hạ tầng và công nghệ có cơ hội tăng thu ngoài lãi
Tại cuộc họp gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi, chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế".
Việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khiến NIM ngân hàng đang giảm mạnh. Kết thúc năm 2024, thống kê 27 ngân hàng thương mại (NHTM) trên sàn chứng khoán Việt Nam cho thấy NIM bình quân là 2,18%, giảm so với mức 3,45% của năm 2023. Trong đó, bên cạnh một số ngân hàng giữ được hệ số NIM cao, tính theo chiều từ trên xuống như VPBank (5,92%), HDBank (5,39%), Techcombank (4,24%), MBBank 4,19%), Kienlongbank (3,9%), VIB (3,75%)..., nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước với thị phần tín dụng lớn và nguyên năm gần như không được tăng lãi suất, thể hiện NIM thấp dưới 3% là VietinBank (2,89%), Vietcombank (2,86%), BIDV (2,33%)…
Mặc dù NIM ngân hàng giảm mạnh, song trong năm qua, lợi nhuận của nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng tích cực nhờ các nhà băng đã tăng thu lãi ngoài và cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích tài chính, NIM năm 2025 khó tăng, mà chỉ kỳ vọng không giảm.
Tăng thu ngoài lãi
Trong bối cảnh NIM ở mức thấp, các nhà băng phải tìm cách tăng thu ngoài lãi và giảm chi phí. Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Phụ trách Khách hàng và Thị trường, Deloitte Việt Nam, cảnh báo sẽ phải đối mặt với tình trạng chênh lệch lãi suất cho vay/lãi suất huy động giảm.
Cụ thể, để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, hơn 20 ngân hàng thương mại đã thực hiện yêu cầu giảm lãi suất huy động song song với việc tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp. Chênh lệch lãi suất ở hai chiều dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận, đặc biệt khi hoạt động của các ngân hàng vẫn dựa vào tín dụng.
Công ty Chứng khoán MBS cũng cho rằng, NIM trong quý I/2025 dự báo sẽ đi ngang so với quý IV/2024, thấp hơn so với cả năm 2024 do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm đạt được mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch mới (17-18%).
Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, cải thiện thu nhập ngoài lãi là điều không thể bỏ qua. Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, phải tiết giảm chi phí quản lý, chi phí vận hành để tối ưu tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR), đẩy lợi nhuận đi lên. Đồng thời, phải tăng sản phẩm số, đẩy mạnh dịch vụ số thay cho dịch vụ truyền thống, từ đó giúp thúc đẩy tỷ lệ CASA.
Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank nêu quan điểm, muốn đẩy mạnh tăng trưởng tổng quy mô tín dụng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ, NHNN đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ tăng trưởng, ngân hàng phải tiết giảm chi phí và chấp nhận giảm NIM để đưa nguồn vốn giá rẻ ra thị trường, kích cầu tín dụng, từ đó đẩy mạnh thu ngoài lãi.
Bà Ngọc dự báo, tỷ trọng của thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập của ngân hàng Việt năm 2025 vẫn sẽ ở mức 22%. Tỷ trọng này có thể gia tăng khi các ngân hàng điều chỉnh chiến lược của mình trong từng mảng kinh doanh.
Ngoài tăng thu ngoài lãi, Deloitte cũng khuyến nghị ngân hàng Việt cần dành sự chú ý trong việc cắt giảm chi phí hoạt động. Thực tế, thời gian qua, nhiều ngân hàng đang thực hiện những nỗ lực hay sáng kiến tiết kiệm chi phí, dù vậy thường không đạt được kết quả như mong đợi.
Bà Thúy Ngọc cho rằng, các ngân hàng Việt Nam nên hướng đến việc chuyển đổi chi phí bền vững hơn bằng cách sử dụng các đòn bẩy như: Khai thác sức mạnh của tính minh bạch về chi phí: nắm bắt tính minh bạch về chi phí để hiểu nguyên do chi phí cơ bản tăng cao; bổ sung chi phí hoạt động để hiểu cách tận dụng tài nguyên tốt hơn và giảm chi phí một cách bền vững. Mở rộng quy mô tự động hóa và AI để giảm chi phí và tăng năng suất: đẩy nhanh việc áp dụng các công cụ tự động hóa và máy học; mở rộng quy mô AI và triển khai các mô hình ngôn ngữ lớn để tạo ra hiệu quả bổ sung và tiết kiệm chi phí…
Huyền Anh-Link gốc