Trong khi nhiều ngân hàng sớm công bố kết quả kinh doanh tích cực, phản ánh đà phục hồi của tín dụng và hiệu quả quản trị chi phí, thì thị trường cũng chứng kiến sự phân hóa rõ rệt về lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.
Ngay trong nửa đầu tháng 4 này, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm với những con số cho thấy đà tăng trưởng ổn định và triển vọng tích cực cho cả năm.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TechcomBank. Ảnh tư liệu: Thanh Tân/TTXVN
* Nhiều kết quả tích cực
Là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý I, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đạt lợi nhuận trước thuế 1.214 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng tài sản tăng trên 7%, đạt gần 263.000 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng 6% và huy động vốn tăng gần 14% cho thấy hoạt động kinh doanh có sự bứt phá mạnh mẽ.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm rõ rệt từ 1,27% xuống 0,61%, trong khi tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,23% và tỷ lệ bao phủ đạt gần 54% - một mức an toàn trong bối cảnh nợ xấu là mối lo chung của toàn ngành. Với kết quả này, Nam A Bank đã hoàn thành 24% mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 3 tháng.
Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng ghi nhận dấu ấn tích cực khi thu nhập lãi thuần đạt gần 510 tỷ đồng - mức cao nhất trong vòng 9 quý. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 125 tỷ đồng. Các mảng dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, vàng và chứng khoán đều ghi nhận lãi. Vốn huy động tăng gần 7%, tín dụng tăng gần 10% và tổng tài sản đạt khoảng 131.000 tỷ đồng - tăng hơn 10% chỉ trong quý đầu năm.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần có quy mô vừa, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hai tháng đầu năm gần 1.430 tỷ đồng và dự kiến đạt 2.100 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động dự kiến vượt 4.300 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng đạt 269.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) duy trì trên 20%, cho thấy TPBank tiếp tục giữ vững nền tảng vốn giá rẻ.
Với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB
), lợi nhuận quý I được ước tính đạt khoảng 20 - 22% mục tiêu lợi nhuận cả năm, tức khoảng 2.200 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng xấp xỉ 3%, cao hơn mức trung bình của toàn ngành (gần 2%), phản ánh năng lực mở rộng tín dụng trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn còn thận trọng.
Là một trong những ngân hàng lớn trong hệ thống, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tuy chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh nhưng theo số liệu được lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ mới đây, tăng trưởng tín dụng ước đạt 4,7% tính đến cuối quý I, tương ứng quy mô tín dụng tăng thêm khoảng 68.000 tỷ đồng. Với mục tiêu cả năm là 16% tương đương khoảng 230.000 tỷ đồng, ngân hàng này đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tối đa cho các chi nhánh ngay từ đầu năm, tạo nền tảng thuận lợi để thúc đẩy dư nợ trong các quý tiếp theo.
* Phân hóa ngày càng rõ rệt
Mặc dù các tín hiệu ban đầu cho thấy triển vọng tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá từ bộ phận phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI
(SSI
Research), lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý I/2025 đang có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các ngân hàng, phản ánh rõ nét sự chênh lệch về chiến lược kinh doanh, khả năng kiểm soát chi phí và tốc độ mở rộng tín dụng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được SSI
Research đánh giá là ngân hàng dẫn đầu đà tăng trưởng với lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ, nhờ vào chiến lược mở rộng tín dụng hiệu quả và cải thiện biên lãi ròng. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đứng thứ hai với lợi nhuận ước đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 42%, chủ yếu nhờ nỗ lực cắt giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu suất kinh doanh.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 5.500 tỷ đồng (tăng 32%), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đạt 4.800 tỷ đồng (tăng 19%) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dao động từ 8.000 - 8.500 tỷ đồng (tăng 15%) nhờ mở rộng tín dụng doanh nghiệp. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đạt khoảng 6.500 - 6.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15% nhờ dịch vụ ngân hàng số và thu nhập từ phí giao dịch.
Nhóm các ngân hàng có mức tăng trưởng khả quan khác bao gồm: Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB
) 1.700 tỷ đồng (tăng 11%); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 8.300 tỷ đồng (tăng 6%)...
Đáng chú ý, dù vẫn có lợi nhuận cao, một số ngân hàng lại có mức tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí sụt giảm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB
) là ngân hàng có kết quả kém khả quan nhất trong danh sách với lợi nhuận ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, giảm gần 18%, phản ánh sự điều chỉnh chiến lược tín dụng theo hướng thận trọng hơn trong bối cảnh rủi ro thị trường.
Sự phân hóa này cho thấy không phải ngân hàng nào cũng hưởng lợi như nhau từ môi trường kinh doanh hiện tại. Những ngân hàng biết tận dụng lợi thế về vốn, mạng lưới, sản phẩm và công nghệ có xu hướng vượt trội hơn. Ngược lại, những nhà băng chịu áp lực lớn từ chi phí đầu vào hoặc chưa tối ưu hóa danh mục tín dụng đang gặp khó trong việc duy trì đà tăng trưởng.
Theo báo cáo ngành ngân hàng năm 2025 của Công ty TNHH Chứng khoán Á Châu (ACBS), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành có thể chậm lại, ước khoảng 14,9%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn được xem là ổn định trong bối cảnh lãi suất và nhu cầu tín dụng đang hồi phục từng bước.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể trong tâm lý của các tổ chức tín dụng. Khoảng 74 - 76% tổ chức cho biết lợi nhuận trước thuế đã cải thiện trong quý I và kỳ vọng xu hướng tích cực này sẽ tiếp diễn trong quý II. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng giảm và được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn trong quý tới. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hệ thống đang dần khôi phục được nền tảng ổn định sau một giai đoạn chịu nhiều sức ép.
Sự hồi phục từng bước của thị trường tín dụng cùng với kỳ vọng về chính sách điều hành linh hoạt đang tạo nền tảng cho ngành ngân hàng có một năm 2025 khả quan. Dù còn tồn tại những khác biệt về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng, nhưng bức tranh tổng thể cho thấy sự ổn định đang quay trở lại.
Những ngân hàng có chiến lược mở rộng thị phần tín dụng, kiểm soát rủi ro tốt và linh hoạt trong hoạt động kinh doanh sẽ có cơ hội duy trì tăng trưởng ổn định. Ngược lại, các ngân hàng chưa thích nghi kịp với biến động lãi suất, chi phí vốn và yêu cầu quản trị tài sản sẽ phải điều chỉnh chiến lược để tránh tụt lại phía sau trong giai đoạn phục hồi này.
Lê Phương (TTXVN)
Link gốc