Chiều 14/2, giá vàng tại thị trường châu Á đi lên, khi đồng USD đi xuống và nhà đầu tư chờ đợi số liệu về tỷ lệ lạm phát tháng 1/2023 tại Mỹ.
Chiều 14/2, giá vàng châu Á đi lên, khi đồng USD giảm. Ảnh minh họa: TTXVN
Vào lúc 13 giờ 45 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.861,93 USD/ounce, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng Một trong phiên trước đó.
Vàng tỏ ra nhạy cảm với các đợt tăng lãi suất, khi chính sách này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Chiến lược gia Christopher Wong của tổ chức tài chính OCBC FX nhận định nếu xu hướng lạm phát đi xuống ở Mỹ có dấu hiệu chậm lại (dù chỉ là tạm thời), tâm lý thận trọng đối với chính sách của Fed có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vàng.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Một, dự kiến công bố vào cuối ngày. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo CPI sẽ tăng 0,5% so với tháng trước đó.
Nếu chỉ số CPI giảm nhẹ hơn dự kiến, Fed có thể tiếp tục giảm tốc độ tăng lãi suất và tạo điều kiện cho sự phục hồi của vàng.
Một số nhà hoạch định chính sách của Fed gần đây đã đánh đi tín hiệu cần phải tăng lãi suất nhiều hơn để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%.
Thị trường đang kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh 5,188% vào tháng Bảy, so với mức hiện tại là 4,5- 4,75%.
Các nhà phân tích tại ANZ cho biết giới giao dịch vàng đang cố gắng dự đoán động thái tiếp theo của Fed. Theo các nhà phân tích này, đồng USD sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian còn lại của năm, qua đó, thúc đẩy vàng lên giá.
Chỉ số đồng bạc xanh giảm 0,2%, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tại Việt Nam, chiều 14/2, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,60 - 67,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.