Để đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh nghiệp thủy sản Bạc Liêu đầu tư ứng dụng công nghiệp hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, vượt qua các rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến thủy sản xuất khẩu là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu.
Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, lĩnh vực kinh tế này dần trở lại bình thường.
Năm 2023, với nhu cầu thị trường gia tăng và mở rộng, các doanh nghiệp thủy sản của tỉnh Bạc Liêu quyết tâm đạt chỉ tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD.
Biến thách thức thành cơ hội
Năm 2022, nhất là vào những tháng cuối năm, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh khan hiếm tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, doanh nghiệp còn phải cạnh tranh rất khốc liệt về giá bán và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, do gặp khó trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, không ít doanh nghiệp chỉ dám hoàn thành các đơn hàng đã ký kết trước đó, chứ không đủ khả năng ký kết các hợp đồng mới.
Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ, khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu năm 2022 chỉ đạt 853 triệu USD, bằng 92,74% kế hoạch.
Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, vẫn có những tín hiệu lạc quan. Đáng ghi nhận là nhiều doanh nghiệp đã vượt khó bằng việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết với nông dân xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Trần Văn Diệu, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thủy sản Thái Minh Long, phường 1, thị xã Giá Rai, cho biết năm 2022 doanh nghiệp gặp không ít khó khăn với những bất lợi của tình hình thế giới. Có những thời điểm nguồn hàng xuất khẩu bị đứt gãy, nên doanh thu sụt giảm ở một số thị trường.
Tuy vậy, lãnh đạo công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch và chiến lược cho con tôm xuất khẩu.
Nhờ vậy, doanh thu năm 2022 đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng trên 35% so với cùng kỳ 2021.
Công ty cũng đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững với nông dân thông qua mô hình nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn ASC (Chứng nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động).
Cùng với Công ty Thái Minh Long, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản khác của Bạc Liêu cũng thành công nhờ biến thách thức thành cơ hội.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong năm 2022, ông Trần Văn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods-F89, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, cho biết doanh nghiệp phải xây dựng uy tín, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khai thác tối đa những thuận lợi do các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu thay đổi mẫu mã, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời mạnh dạn đầu tư, đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất mới ứng dụng công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu sản xuất; tự động hóa khâu phân loại kích cở, chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
Cùng với đó, công ty cũng đẩy mạnh chuỗi liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư vốn không tính lãi và bao tiêu sản phẩm theo giá cả thị trường cho các tổ hợp tác, hợp tác xã; ngược lại các tổ hợp tác, hợp tác xã chịu trách nhiệm cung ứng sản phẩm tôm nguyên liệu lâu dài cho doanh nghiệp.
Đây chính là nền tảng tạo nên sự phát triển ổn định của các khâu nuôi trồng-thu mua-chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản.
Nhờ chủ động chuyển đổi, thích ứng tốt trong điều kiện khó khăn, nên hoạt động sản xuất của Công ty luôn duy trì, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 400-500 lao động, đảm bảo kế hoạch sản xuất lợi nhuận đề ra.
Mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị
Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đề ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm 1 tỷ USD. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu này, tỉnh triển khai nhiều giải pháp từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ.
Đối với nuôi trồng thủy sản, tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất ở các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển bền vững, gắn với xây dựng cánh đồng lớn.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại, phát triển bền vững.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Tỉnh cũng khuyến khích, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các doanh nghiệp và nông dân theo hình thức hợp tác sản xuất quy mô lớn.
Đối với lĩnh vực chế biến, tỉnh Bạc Liêu đang ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm từ tôm.
Nhìn nhận về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2023, ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết so với các năm 2021-2022, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có nhiều thuận lợi hơn.
Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào do thời tiết thuận lợi, cùng với đó là diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, cho sản lượng lớn tiếp tục được mở rộng. Mặc khác, cùng với việc nhiều nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư nâng cao công suất thì một số nhà máy được xây dựng mới với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ để xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là ở phân khúc chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết mà chủ động trong sản xuất.
Tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) để tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới...
Bạc Liêu hiện có gần 50 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Nếu như những năm trước, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất khẩu tôm đông lạnh và chủ yếu là xuất thô mang lại giá trị không cao, thì năm 2023 này nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Đây cũng được coi là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn.
Đồng thời, hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nguyên liệu và hướng đến thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thực hiện thắng lợi mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2023./.