Dòng tiền có tín hiệu sụt giảm khá mạnh sáng nay trong khi áp lực bán vẫn cao đã tạo sức ép từ từ lên giá cổ phiếu. Độ rộng chuyển xấu dần và VN-Index trượt dốc càng lúc càng sâu về cuối phiên. Điểm sáng duy nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất đang được ủng hộ bởi giá dầu tăng...
Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục gây sức ép lên chỉ số, dù không tạo nên mức sụt giảm quá mạnh.
Dòng tiền có tín hiệu sụt giảm khá mạnh sáng nay trong khi áp lực bán vẫn cao đã tạo sức ép từ từ lên giá cổ phiếu. Độ rộng chuyển xấu dần và VN-Index trượt dốc càng lúc càng sâu về cuối phiên. Điểm sáng duy nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất đang được ủng hộ bởi giá dầu tăng.
VN-Index có hai nhịp vượt qua tham chiếu nửa đầu phiên sáng, nhưng mức tăng cao nhất cũng chỉ 0,14%. Độ rộng tốt nhất được ghi nhận ở chỉ số này là lúc 9h30 với 148 mã tăng/114 mã giảm, thời điểm VN-Index vượt tham chiếu lần thứ nhất. Ở đỉnh thứ 2 lúc 10h15, độ rộng chỉ còn 152 mã tăng/169 mã giảm. Hết phiên sáng chỉ còn 113 mã tăng/233 mã giảm. Chỉ số chốt giảm 2,52 điểm tương đương -0,24%.
VN-Index vẫn chủ đạo chịu áp lực mất điểm từ nhóm blue-chips, khi 10 mã gây sức ép nhất thì chỉ có HVN giảm 3,42% là không thuộc rổ VN30. VN30-Index cũng giảm 0,37% với 10 mã tăng/16 mã giảm. Midcap giảm 0,23%, Smallcap giảm 0,41%.
Tuy vậy điểm khác trong phiên sáng nay là độ rộng đã hẹp theo, rất nhiều cổ phiếu ngoài rổ VN30 cũng bắt đầu chịu sức ép giảm giá, không như những phiên trước là nhóm đầu cơ nhỏ còn có khả năng đi ngược dòng. Trong 113 mã còn tăng ở HoSE, chỉ có 36 mã tăng hơn 1% và chỉ 8 mã trong số này đạt thanh khoản hơn 10 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất đang khá nhất nhờ giá dầu tăng cao. PSH tăng 3,46%, PVC tăng 1,83%, PVS tăng 1,92%, BSR tăng 1,8%, OIL tăng 3,23%. Ngoài ra GAS tăng nhẹ 0,3%, PLX tăng 0,81%, PVD tăng 1,89%. Hóa chất có DGC tăng 2,5%, DPM tăng 0,58%, DCM tăng 2,02%...
Một số mã đơn lẻ tăng cá biệt khá mạnh có thể kể tới TTF tăng 4,38% thanh khoản 29,8 tỷ đồng; CII tăng 3% thanh khoản 105,3 tỷ; IJC tăng 2,43% thanh khoản 57,3 tỷ; HAG tăng 1,04% giao dịch 36,8 tỷ.
Các cổ phiếu này ít mang tính đại diện và cũng không góp được nhiều điểm số cho VN-Index. Trong khi đó nhóm blue-chips có một số mã giảm khá sâu như NVL giảm 2,99%, PDR giảm 1,77%, HDB giảm 1,27%, VPB giảm 1,21%, GVR giảm 1,22%... Các trụ HPG, CTG, VHM, VIC, VNM cũng đang đỏ, VCB tham chiếu.
VN-Index có hai đỉnh vượt tham chiếu sáng nay, nhưng độ rộng lại giảm dần.
Mức độ giảm sáng nay cũng chưa mạnh ở cổ phiếu, toàn sàn HoSE cũng mới có 96 mã mất hơn 1% giá trị. Tuy vậy độ rộng đang thay đổi nhanh theo hướng tiêu cực cho thấy tâm lý yếu dần đi. Nguyên nhân chính đến từ dòng tiền mua bất ngờ tụt áp.
Đầu tiên là khối ngoại, cường độ giải ngân trên HoSE đột ngột giảm xuống còn 183,6 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu tuần. Phía bán cũng không mạnh, thậm chí giảm 25% so với sáng hôm qua, còn 332,5 tỷ đồng. Do mua quá nhỏ nên vị thế bán ròng tương ứng -148,9 tỷ. HPG bị xả 32 tỷ ròng VND -26,3 tỷ, STB -24,1 tỷ, PVD -22 tỷ là đáng kể nhất.
Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng suy yếu nghiêm trọng, khiến thanh khoản tại HoSE sáng nay giảm 17% so với sáng hôm qua, còn 4.341 tỷ đồng, thấp nhất 10 phiên. VN30 thậm chí giảm giao dịch 35%, còn 1.358,6 tỷ đồng. Tính chung hai sàn niêm yết giao dịch giảm 15%.
Do cầu mua yếu, bên bán buộc phải hạ giá dần xuống, kéo theo là độ rộng thay đổi tiêu cực như mới đề cập phía trên. Rõ ràng là mức thanh khoản này không thể hiện hoạt động bán tháo, nhưng thị trường “lịm dần” như vậy là do cầu đã suy yếu.
Thực tế những phiên đi ngang hẹp vừa qua ở chỉ số không phản ánh hết diễn biến của cổ phiếu. Nhiều mã vừa và nhỏ vẫn đang tăng tốt. Do đó nhóm này bị chốt lời cũng là bình thường. Blue-chips vốn dĩ tăng rất ít kể từ sau tin giảm lãi suất và giờ vẫn yếu như vậy. Độ rộng thay đổi chính là do hoạt động bán ra tăng lên ở nhóm vốn hóa nhỏ.