Doanh nghiệp và người lao động đùn đẩy gánh nặng lạm phát lên vai nhau chính là rủi ro khiến cho áp lực giá cả tiếp tục có chỗ đứng, Huw Pill, Kinh tế trưởng Ngân hàng trung ương Anh (BoE), nhận định.
“Vấn đề ở đây là sự chần chừ chấp nhận thực tế tất cả chúng ta đang nghèo đi. Đó là vấn đề mà bất kỳ ai cũng mang trách nhiệm chung tay chia sẻ”, ông chia sẻ trong chương trình phát thanh “Beyond Unprecedented” do Trường Luật Columbia và Trung tâm Millstein phối hợp thực hiện.
“Từ chối trách nhiệm bằng việc đùn đẩy gánh nặng lên vai người khác chỉ khiến áp lực lạm phát ngày một gia tăng”, ông nói.
Đáng tiếc thay, ông cho rằng đó là hành vi tự nhiên, thường xảy ra trong nền kinh tế trước áp lực lạm phát cao. Người lao động chắc chắn sẽ đòi hỏi thêm quyền lợi trong khi doanh nghiệp nâng giá bàng hàng. “Nó chẳng khác gì sự tự diệt”, ông chia sẻ.
Nước Anh đang rơi vào hoàn cảnh kết sức éo le khi chi phí nhập khẩu hàng hóa bên ngoài lại cao hơn nhiêu so với những gì mà quốc gia này bán ra toàn thế giới (chủ yếu là dịch vụ). Vương quốc Anh là nước nhập siêu khí đốt và thực phẩm chiếm tới 50% kim ngạch nhập khẩu.
“Những thứ chúng ta mua tăng giá nhanh hơn những gì chúng ta bán. Người dân vì thế ngày một nghèo hơn”, Pill chia sẻ. “Người dân Anh nên chấp nhận sự thật đó và điều chỉnh giảm sức mua thực tế thay vì tiếp tục đòi tăng lương hoặc tăng giá bán hàng hóa”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông đồng thời chia sẻ về “một loạt cú sốc giá cả” hình thành nên lạm phát cao trong 18 tháng vừa qua, từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, các giải pháp hỗ trợ của chính phủ nhằm đẩy mạnh tiêu dùng cho tới xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng tăng phi mã. Ông đồng thời đề cập tới các hình thái thời tiết cực đoan và dịch bệnh cúm gà, giúp kéo tăng chi phí thực phẩm.
Phát biểu của ông được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Anh, nhận được sự đồng tình cao.
Vào tháng 2/2022, Thống đốc BoE Andrew Bailey nhận định quá trình thỏa thuận nâng lương chỉ làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Ông đồng thời khuyến khích người lao động và chủ doanh nghiệp phải hết sức “kiềm chế” trong quá trình thương thảo lợi ích. Phát biểu của ông Bailey nhận về sự chỉ trích dữ dội từ các tổ chức công đoàn vì chỉ mang tính một chiều.
Một số chuyên gia kinh tế, trong đó có Kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Pierre-OlivierGourinchas, ủng hộ quan điểm tăng lương cho người lao động nhằm thu hẹp chênh lệch đà tăng áp lực giá cả trong bối cảnh biên lợi nhuận của các doanh nghiệp toàn cầu vẫn duy trì ở ngưỡng “chấp nhận được”.
Tuy nhiên, một bộ phận chuyên gia khác đánh giá đó là rủi ro lớn đối với nước Anh khi đây là quốc gia thiên về nhập khẩu. Trong khi đó, đồng bảng Anh suy liên tục suy yếu và thị trường lao động không có nhiều cải thiện sau Brexit. Trong tháng 3, lạm phát tại quốc gia này gây bất ngờ đối với thị trường khi tiếp tục neo ở ngưỡng hai chữ số (10,1%).
GÃ ĐẦU TƯ - Nguồn: CNBC