Theo các chuyên gia phân tích, đà tăng trưởng lợi nhuận của MB sẽ giảm trong năm 2023 khi lợi thế về NIM giảm dần và áp lực từ trích lập dự phòng tăng lên nhưng sẽ phục hồi trở lại trong năm 2024.
Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã:
MBB) có lợi thế từ biên lãi thuần cao và khả năng mở rộng tài sản sinh lãi trong năm 2022.
NIM quy năm của MB đã có xu hướng tăng đều đặn kể từ đầu năm để đạt khoảng 5,8% trong quý IV/2022, tăng 0,83 điểm % theo quý do hai đợt tăng lãi suất niêm yết vào tháng 10 và tháng 11, dao động từ 0,5% -1,1% cho mỗi kỳ hạn.
NIM (trượt 12 tháng), mặc dù giảm nhẹ so với quý trước, nhưng cũng cho thấy mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ hơn 0,6 điểm %.
Theo các chuyên gia phân tích, những yếu tố đã thúc đẩy đà tăng của NIM bao gồm tăng trưởng tín dụng được hỗ trợ bởi hạn mức cao và sự nới rộng chênh lệch lãi suất thị trường 1.
Tăng trưởng tín dụng cả hợp nhất và riêng lẻ của ngân hàng năm 2022 đều ở mức cao, lần lượt là khoảng 25% và 23%. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 26,7% và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao hơn 10,6% so với cuối năm 2021 mặc dù đã được cắt giảm xuyên suốt trong năm về mức 9% tổng dư nợ tín dụng.
Lợi suất cho vay và lợi suất trái phiếu của MB đã tăng mạnh lần lượt lên 9,8% và 6% từ 8,9% và 5,7% vào năm 2021, kéo theo mức tăng 0,9 điểm % của lợi suất tài sản lên 8,4% vào năm 2022.
Trong khi đó, ngân hàng đã duy trì chi phí huy động vốn thấp một cách cạnh tranh, tăng 0,2 điểm % lên 2,9% vào năm 2022, nhờ sự tăng cường mảng bán lẻ. Một nửa số dư CASA của ngân hàng đến từ các khách hàng cá nhân trong khi tỷ lệ CASA củaphân khúc SME rơi vào khoảng 60%-63%.
Ngân hàng cho biết việc hợp tác với Viettel Pay và Tân Cảng Sài Gòn là một trong những yếu tố giúp nâng cao CASA của MB trong vài năm qua.
"Tuy vậy, mức tăng của chi phí huy động chưa phản ánh đủ tác động của đợt tăng lãi suất diễn ra trong quý cuối năm 2022, do đó chúng tôi dự báo chi phí huy động của MB sẽ cao hơn cùng với xu hướng ngành trong thời gian tới", VDSC nhận định.
Trong các phân khúc, cho vay doanh nghiệp tăng 22% so với cùng kỳ và giảm tỷ trọng đóng góp xuống 47,1% từ 48,3% vào năm 2021 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục tín dụng. Đồng thời, cho vay bán lẻ tăng 32% so với năm trước và mở rộng tỷ trọng lên 43,6% từ 41,1% dư nợ tín dụng.
Vào năm 2023, VDSC cho rằng NIM của ngân hàng sẽ giảm 0,12 điểm % do lợi suất tài sản có thể không theo kịp với chi phí huy động ngày càng tăng. Bên cạnh mức tăng trưởng tín dụng 15%, thu nhập lãi thuần dự báo sẽ tăng 14%, thu nhập ngoài lãi được dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức một con số do các điều kiện không thuận lợi để các công ty con của MB có lãi trong năm 2023.
Áp lực về chất lượng tài sản dần hiện rõ
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất đã tăng 0,19 điểm % so với với năm trước với mức 1,09%. Trong đó, nợ xấu ròng hình thành hàng quý ghi nhận gần 1.200 tỷ đồng, trong đó 742 tỷ đồng là của ngân hàng mẹ.
Ngân hàng đã trích lập dự phòng đáng kể cho các khoản vay.Điều này dẫn đến chi phí tín dụng biên hợp nhất/riêng lẻ tăng lên mức 1,95%/1,3%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng trở lại mức 238% sau khi giảm liên tục trong ba quý từ mức đỉnh 268% vào cuối năm ngoái.
Tính đến quý IV/2022, các khoản cho vay của MB dành cho các nhà phát triển bất động sản là 21.400 tỷ đồng, tương ứng với 4,6% dư nợ cho vay. Tổng dư nợ tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản chiếm dưới 10% tổng dư nợ tín dụng.
VDSC dự báo chi phí dự phòng của MB năm 2012 sẽ tăng khoảng 17% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế của năm 2023 và 2024 đạt lần lượt 19.904 tỷ đồng và 24.967 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 25% so với năm trước.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng MB sẽ tiếp tục đặt được tăng trưởng từ thu nhập lãi, nhờ vào lợi thế chi phí huy động vốn thấp cùng với lợi suất tài sản gia tăng. Ngoài ra, với tiềm năng từ các nguồn thu phí từ phân khúc bancassurance và tài chính tiêu dùng, VDSC kỳ vọng MB sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng của mình khi điều kiện thị trường trở nên thuận lợi hơn vào năm 2024.