Theo báo cáo kinh tế - xã hội mới công bố của Cục thống kê TP Hải Phòng, trong quý 1/2023 thành phố là địa phương có mức tăng trưởng GRDP cao thứ 3 cả nước và thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng với +9,65% so với cùng kỳ 2022.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,01 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 5,71 điểm phần trăm; dịch vụ đóng góp 3,56 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1 của Hải Phòng tăng 13,12% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so với cùng kỳ như sản xuất máy vi tính và thiết ngoại vi của máy vi tính tăng 95,26%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 64,68%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 50,82%...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 ước đạt 47.346,1 tỷ đồng, tăng 13,77% so với cùng kỳ năm trước, bằng 24,17% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2023 đạt 195.855 tỷ đồng).
Trong đó, doanh thu hoạt động bán lẻ quý 1/2023 đạt 39.633 tỷ đồng, ước tăng 13,95% so với cùng kỳ và tăng ở hầu hết các ngành hàng.
Trong quý, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hải Phòng ước đạt 23.977,9 tỷ đồng, đạt 20,59% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 90,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách địa phương quý 1 ước đạt 6.163,3 tỷ đồng, đạt 15,58% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 145,76% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố ước thực hiện đến ngày 31/3 đạt 299.842 tỷ đồng, tăng 10,99% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ cho vay đến 31/3 ước đạt 183.525 tỷ đồng, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hải Phòng tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,21% của quý 1/2022. Trong đó, giáo dục có mức tăng cao nhất với +7,5% (tương ứng bằng 107,5% so với thực hiện cùng kỳ năm trước); thấp nhất là giao thông với -1,49% (tương ứng bằng 98,51% so với thực cùng kỳ năm trước)…
Theo báo cáo, tính đến ngày 15/3, thành phố có 860 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 24,8 tỷ USD, vốn điều lệ là 8,02 tỷ USD (trong đó Việt Nam góp 108,4 triệu USD, nước ngoài góp 7,91 tỷ USD).
Từ đầu năm đến 15/3, toàn thành phố có 17 dự án từ nước ngoài cấp mới với số vốn đầu tư đạt 114,87 triệu USD.
Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 9 dự án, với số vốn tăng là 262,78 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Có 6 dự án chấm dứt hoạt động, bao gồm có 2 dự án trong khu công nghiệp và 4 dự án ngoài khu công nghiệp.
Về tình hình doanh nghiệp, tính chung quý 1/2023, TP Hải Phòng có 844 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đạt 4.695,3 tỷ đồng tăng 16,41% về số lượng và giảm 37,99% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 1.146 đơn vị.
Về du lịch, quý 1/2023, TP Hải Phòng đón tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1,38 triệu lượt, tăng 17,86% với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 226.700 lượt, tăng 6,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượt khách du lịch theo tour trong quý ước đạt 7.270 lượt, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Hồng Nhung