• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 2:04:04 SA - Mở cửa
Cập nhật tình hình hoạt động dự án khí Lô B - Ô Môn (tháng 4/2023)
Nguồn tin: Tạp chí Năng lượng VN | 05/04/2023 5:40:00 CH
Theo nguồn tin Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Ban chỉ đạo dự án phát triển khai thác dầu khí Lô B - Ô Môn (của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) vừa ra thông báo kết luận yêu cầu các đơn vị, các ban chuyên môn tập trung mọi nguồn lực, với quyết tâm đạt được quyết định đầu tư (FID) vào tháng 6/2023, nhằm bảo đảm tiến độ thi công (dự án thượng, trung nguồn) để đón dòng khí về bờ vào năm 2026.
 
 
Lô B - Ô Môn là dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí, nhận được sự quan tâm chỉ đạo hết sức sát sao của Đảng, Chính phủ và đã được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội mới đây.
 
Theo Ban chỉ đạo dự án này, thì tiến độ dự án đang rất cấp bách, hiện tại chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là tới thời điểm quyết định đầu tư (tháng 6/2023) trong khi khối lượng công việc còn lại rất lớn, do đó, các đơn vị, các ban chuyên môn của Tập đoàn phải tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng tiến độ khâu thượng nguồn, trung nguồn, cũng như các công việc liên quan khác.
 
Đối với dự án thượng nguồn:
 
Gói thầu EPCI#1 (thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở) nằm trên đường găng của cả dự án nói chung, cũng như dự án thượng nguồn nói riêng, các rủi ro đã được nhận diện, đánh giá là áp lực rất lớn cho Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) trong việc đánh giá, thống nhất với nhà thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu.
 
Để đạt được các mốc tiến độ theo mục tiêu kế hoạch, Ban chỉ đạo yêu cầu PQPOC quán triệt đến toàn thể CBCNV, đặc biệt cán bộ chủ chốt, cán bộ phụ trách từng lĩnh vực tập trung toàn thời gian (kể cả cuối tuần, ngày lễ) cho công tác đánh giá thầu cho đến khi hoàn thành kết quả đánh giá và đạt được phê duyệt của các bên liên quan, cũng như của Tập đoàn.
 
Đặc biệt, yêu cầu các ban, đơn vị liên quan, các đối tác đầu tư nước ngoài thống nhất kế hoạch huy động nhân sự tham gia, giám sát quá trình đánh giá thầu để rút ngắn thời gian xem xét thẩm định, phê duyệt thầu, cũng như xử lý các tình huống trong đấu thầu theo hướng giảm các thủ tục liên quan.
 
Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn yêu cầu việc sớm cập nhật báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí trình các cấp thẩm quyền phê duyệt và xây dựng dự thảo hướng dẫn về phân cấp trữ lượng đối với các đối tượng mỏ có điều kiện địa chất (như tại Lô B&48/95 và Lô 52/97) làm cơ sở để hoàn thiện các quy định liên quan v.v...
 
Đối với dự án trung nguồn:
 
Đối với dự án trung nguồn, Ban chỉ đạo yêu cầu Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) sẵn sàng thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án khi có quyết định đầu tư và phối hợp với các bên tham gia tiếp tục làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư để sớm có được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (điều chỉnh).
 
Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các ban, đơn vị liên quan làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Phát điện 2 hoàn thiện thỏa thuận bán khí (GSA) và thống nhất các điểm chính còn tồn đọng. Cùng với đó là thúc đẩy các bên sớm hoàn thiện hồ sơ gia hạn các hợp đồng chia sản phẩm (PSC) để PVN có thể trình cấp thẩm quyền đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.
 
Về công tác thu xếp vốn của PVN, Ban chỉ đạo yêu cầu các ban liên quan rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ trình cấp thẩm quyền xin phê duyệt theo quy định về chủ trương vay nợ nước ngoài để đồng bộ, phù hợp với tiến độ triển khai các công việc chung. Còn đối với công tác thu xếp vốn cho PVEP, Ban chỉ đạo yêu cầu Tổng công ty này rà soát phương án thu xếp, cân đối nguồn vốn để triển khai dự án theo mục tiêu tiến độ quyết định đầu tư, cũng như tiến độ cấp dòng khí đầu tiên để báo cáo lãnh đạo Tập đoàn trong kỳ họp Ban chỉ đạo tiếp theo.
 
Các quy định chính sách không rõ ràng, gây cản trở tiến độ Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn:
 
Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Các thủ tục liên quan đến Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn đã quá chậm trễ giải quyết. Một trong các nguyên nhân là các quy định chính sách không rõ ràng đã gây cản trở tiến độ.
 
Chẳng hạn như dự án Nhiệt điện Ô Môn 3, thời gian thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài trên 4 năm 6 tháng (các cơ quan quản lý nhà nước không xác định được cơ quan thẩm định nên “chuyền ban” cho nhau, chờ ban hành nghị định mới). Vì vậy, đối với dự án khí, để có được quyết định đầu tư (FID) vào tháng 6 năm nay nhằm bảo đảm tiến độ thi công và đón dòng khí về bờ vào năm 2026, sẽ còn rất nhiều phạm vi công việc cần phải làm. Cụ thể là hoàn tất đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại (hợp đồng mua bán khí, điện), phê duyệt thiết kế kỹ thuật (nghiên cứu khả thi cho các nhà máy điện), cũng như các phương án thu xếp vốn vay cho các dự án thành phần của PVN và EVN.
 
Đối với các cam kết thương mại, giá khí từ Lô B về đến cổng các Nhà máy Nhiệt điện khí Ô Môn được cho biết có thể tiệm cận tới hơn 14 USD/triệu BTU vào cuối năm 2026 - thời điểm dự kiến có dòng khí đầu tiên. Do đó, giá điện bình quân của Nhà máy Ô Môn 3, Ô Môn 4 sẽ ở mức cao hơn khá nhiều so với mức giá bình quân hiện nay, và có thể gây khó khăn trong quá trình huy động phát điện (dù các nhà máy này không phải tham gia thị trường điện cạnh tranh).
 
Đối với phê duyệt kỹ thuật (nghiên cứu khả thi các nhà máy điện), việc thay đổi thiết kế kỹ thuật để sử dụng nhiên liệu thay thế trong tương lai sẽ kéo theo thay đổi, theo hướng tăng chi phí đầu tư ban đầu.
 
Đối với việc thu xếp vốn vay, trong bối cảnh Chính phủ không phát hành Bảo lãnh Chính phủ (GGU) nữa, thì đây sẽ là vấn đề rất khó khăn đối với PVN, EVN khi phải chứng minh hiệu quả kinh tế, cũng như cam kết Net zero theo tinh thần COP26 đối với các khoản vay ODA (từ Nhật Bản) và các định chế tài chính, ngân hàng quốc tế. Theo đó, các dự án nhà máy điện (khâu hạ nguồn) có vòng đời 25 năm, nếu tính từ thời điểm đón dòng khí về bờ năm 2026 thì đã vượt qua năm 2050, sẽ là một trong những thách thức đối với việc thu xếp vốn vay từ các ngân hàng quốc tế.
 
Như chúng ta đều biết, vòng đời của dự án khâu thượng nguồn (theo phê duyệt FDP) là 23 năm. Vì vậy, ngay cả khi dự án được thông quan, PVN sẽ phải cấp bù khí cho các nhà máy điện những năm còn lại theo cam kết hợp đồng.
 
Để tháo gỡ được những khó khăn và bế tắc như đã nêu trên, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cả về mặt quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp khi mà PVN, EVN là các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trong Chuỗi dự án này.
 
Theo dự báo, Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn sẽ còn rất nhiều phê duyệt có liên quan đến vốn nhà nước, từ đó phát sinh chậm trễ tiến độ. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các bộ, ngành, cũng như các nhà đầu tư cần phải có giải pháp tối ưu. Bởi Chuỗi dự án không chỉ đem lại lợi ích quốc gia (thông qua PVN, EVN), mà còn tạo dựng và tái khẳng định một môi trường đầu tư, hợp tác dầu khí nói riêng, cũng như kinh tế năng lượng nói chung năng động, chuyên nghiệp của thị trường Việt Nam thông qua các hợp tác liên Chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế./.