Sau nhiều năm liên tiếp cây điều trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị mất mùa mất giá, cây trồng này đang bị nông dân trong tỉnh chặt bỏ hàng loạt.
Ông Hà Văn Mừng (thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) vừa chặt hết một nửa vườn điều 3ha. Nhiều năm gắn bó với cây trồng chịu đựng cằn cỗi kham khổ này, ông Mừng cũng không nỡ xuống tay, nhưng suốt 3 năm gần đây, giá hạt điều giảm gần một nửa, năng suất chỉ còn 30% nên gia đình không thể cố cầm cự. Trước mắt ông dự kiến sẽ trồng lúa trên đất vườn điều vừa bị chặt để để đảm bảo đời sống gia đình.
“Mấy năm trước, 3ha là thu được 200 triệu. Nhưng từ khi mất mùa 3 năm trở lại đây, giá cả biến động thì tôi phá dần. Đập Plei Pai có nước về phục vụ 500 ha thì tôi ủi ra làm lúa, được 8 tấn lúa/ha” - ông Mừng chia sẻ.
Một vườn điều mới bị chặt tại xã Ia Lâu. (Ảnh: Nguyễn Thảo)
Việc phá bỏ cây điều đang diễn ra rộng khắp trên địa bàn các xã biên giới Ia Lâu, Ia Ga, Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Riêng tại xã Ia Piơr, từ cuối 2022 tới nay, đã có 300 ha đã bị chặt bỏ để chuyển sang trồng cây ngắn ngày, chủ yếu là lúa, sắn, ngô…
Ông Bùi Văn Tiến- Chủ tịch UBND xã Ia Piơr cho biết, hiện nay, địa phương chưa có định hướng cụ thể và trợ giúp hiệu quả cho người dân trong chuyển đổi cây trồng. Việc trồng cây ngắn ngày trên diện tích đất trồng điều cũ chỉ là giải pháp tình thế.
Người dân tận dụng củi từ vườn điều bị chặt. (Ảnh: Nguyễn Thảo)
“Quan điểm của xã là vận động, tuyên truyền người dân, diện tích nào mà hiệu quả thì giữ lại chăm sóc để cây không chế, không bỏ cây. Những diện tích nào bằng phẳng, cày được thì trồng cây mì, khô… tức là cây ngắn ngày. Còn diện tích mà đảm bảo được nước thì trồng cây ăn trái” - ông Tiến nói.
Tình cảnh chặt- trồng, trồng- chặt khi gặp biến động giá cả nông sản đã từng xảy ra với nhiều nông sản chủ lực ở Gia Lai như cao su, hồ tiêu, cà phê… nay tái diễn đối với cây điều. Điều này một lần nữa đòi hỏi ngành nông nghiệp cần phát huy vai trò định hướng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững tại địa phương./.