“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Tại Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các TCTD” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 17/5, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.
Những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, như mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%).
Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng;
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…
Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.
“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng nói.
Do vậy theo ông Hùng, Quốc hội trước khi thông qua các dự thảo Luật nên lắng nghe ý kiến từ các cử tri bộ ngành các tổ chức chính trị xã hội ngành nghề và chính các doanh nghiệp, rà soát các liên quan để ban hành luật sửa đổi phù hợp với thực tiễn.
Tòa án nhân dân tối cao có văn bản hướng dẫn các tòa án cấp dưới trong việc xử lý các vướng mắc tranh chấp liên quan đến việc chủ tài sản đảm bảo tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý đảm bảo của tổ chức tín dụng. Đối với các trường hợp cố tình chây ì, lẩn trốn, không xuất hiện, không hợp tác với cơ quan chức năng nhằm mục đích để kéo dài thời gian xử lý nợ, trốn tránh nghĩa vụ, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng này, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ.
Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự.
“Nếu như xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì xử lý rất khó, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ”, ông Hùng nhận định.
Ngoài ra, Chính phủ cần cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023 nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới.
NHNN cũng cần nghiên cứu kỹ Luật về ngân hàng của các nước trong khu vực và trên thế giới để các quy định tại Luật Các TCTD (sửa đổi) phù hợp với đặc thù Việt Nam nhưng cũng phải tiệm cận và phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý rà soát một số dự thảo Luật liên quan đến hoạt động ngân hàng đang sửa đổi hiện nay để tránh sự chồng chéo, không phù hợp với Luật Các TCTD (sửa đổi).
Ông Hùng cho rằng cần lưu ý những nội dung dự thảo Luật giao dịch điện tử để đưa vào Luật Các TCTD nhằm thực hiện tốt chuyển đổi số, cho vay trên nền tảng công nghệ, thẩm định và quyết định cho vay trên dữ liệu lớn, đồng thời trên cơ sở thực tiễn vướng mắc Nghị quyết 42 bổ sung một số qui định về xử lý nợ xấu vào Luật Các TCTD sửa đổi bổ sung.
Trong kế hoạch sử dụng đất, TP.HCM đặt chỉ tiêu chuyển 684 ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở; chuyển 9.867 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp…
Ảnh minh hoạ.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn.
Sau 5 năm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của thành phố còn một số hạn chế.
Cụ thể, trong quá trình lập quy hoạch, chưa xác định được thời gian, tiến độ xây dựng các công trình của các ngành và địa phương đã đăng ký.
Đến năm 2020, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn 562 công trình, dự án đã đăng ký nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong đó, 117 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 73 dự án phát triển đô thị; 31 dự án công nghiệp; 29 dự án giáo dục; 18 dự án thương mại, dịch vụ…
Các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch các ngành có sử dụng đất chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch khác như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành có sử dụng đất.
Về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trình chỉ tiêu phân bổ 102.191 ha đất nông nghiệp, 106.750 ha đất phi nông nghiệp và 598 ha đất chưa sử dụng.
Đối với kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất, TP.HCM đặt chỉ tiêu chuyển 684 ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở; chuyển 9.867 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng 4.480 ha đất trong nội bộ đất nông nghiệp.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để thực hiện có kết quả phương án kế hoạch sử dụng đất 5 năm, thành phố đề ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình thu hồi đất vùng phụ cận các dự án phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Từ đây tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất và phần đất dôi dư được bán đấu giá.
Đối với cải tạo và xây dựng mới thay thế các chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, thành phố khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện tốt di dời tháo dỡ bằng cách hỗ trợ tín dụng, tiền sử dụng đất và bồi thường...
Đặc biệt, việc rà soát điều chỉnh ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ (tại khu vực cù lao Phú Lợi) đã xác định được ranh giới, diện tích theo quyết định số 173 của Thủ tướng chính phủ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2020, TP.HCM được duyệt chỉ tiêu 88.000 ha đất nông nghiệp nhưng kết quả vẫn còn gần 23.000 ha chưa thực hiện. Đối với sử dụng đất phi nông nghiệp, chỉ tiêu phê duyệt là 118.890 ha nhưng TP.HCM chỉ thực hiện được 96.643 ha, đạt 81,28%.
Trong đó, đất thương mại, dịch vụ: chỉ tiêu Chính phủ giao là 3.443 ha, kết quả thực hiện là 3.933 ha, thấp hơn so với kế hoạch được duyệt là 899,48 ha.
Đất ở tại nông thôn, chỉ tiêu Chính phủ giao là 10.615 ha, kết quả thực hiện là 9.007 ha, thấp hơn so với kế hoạch được duyệt là 1.607 ha.
Đất ở tại đô thị: chỉ tiêu Chính phủ giao là 24.060 ha, kết quả thực hiện là 20.305 ha, thấp hơn so với kế hoạch được duyệt là 3.754 ha, đạt tỷ lệ 84,39% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo "Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn TP HCM: Thực trạng trong gian đoạn 2011-2020 và giải pháp trong thời gian tới", diễn ra vào cuối tháng 12/2022, TS Phạm Trần Hải, Phó Trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), đã chỉ ra nhiều hạn chế.
Theo đó, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn 5 huyện chiếm 93,49% tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Còn lại 6,51% diện tích đất nông nghiệp còn lại phân bố rải rác ở quận Bình Thạnh và các quận nội thành phát triển khác (quận 12, quận Bình Tân) và TP. Thủ Đức. Trong đó, một số nơi thực chất không còn sản xuất nông nghiệp nữa mà chỉ là đất nông nghiệp trên giấy, chẳng hạn khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
Giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đặt mục tiêu chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhưng thực tế chỉ làm được 13%-14%. TP.HCM có nhiều quy hoạch "treo", dự án "treo".
Nhiều khu đất nông nghiệp tồn tại ở dạng "da beo" với quy mô nhỏ và rải rác (huyện Bình Chánh và Hóc Môn), khó có khả năng khai thác hiệu quả cho mục đích nông nghiệp, hiện để trống hoặc sử dụng với mục đích phi nông nghiệp.
Theo TS Phạm Trần Hải, cần có thống kê quỹ đất nông nghiệp để có giải pháp, định hướng chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp vì đất nông nghiệp nằm rải rác, không đủ độ tích tụ để làm dự án lớn. Những mảnh đất nông nghiệp xé lẻ dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích và chuyển đổi sai quy định dễ dàng xảy ra.