• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 6:57:06 CH - Mở cửa
Cá tra 'bay' đến hơn 130 quốc gia nhờ 100% cơ sở nuôi được cấp mã
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam | 18/05/2023 7:25:00 SA
Đến năm 2025, Đồng Tháp có 100% cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi và 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.
 
 
Cấp mã số cho 100% vùng nuôi cá tra 
 
Những năm gần đây, ngành cá tra Việt Nam luôn gặp không ít khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu do tác động nhiều yếu tố bất lợi như: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cá, giá thành sản xuất cá nguyên liệu cao, những rào cản kỹ thuật và quy định nghiêm ngặt từ thị trường xuất khẩu…
 
Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho cá tra, mà còn từng bước đưa thế mạnh mặt hàng này phát triển bền vững hơn nữa.
 
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra của tỉnh. Mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ số tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Từ các mục tiêu đưa ra, cá tra của Đồng Tháp sẽ tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Hiện tại Đồng Tháp có diện tích tích nuôi cá tra lớn nhất khu vực ĐBSCL khoảng trên 2.000ha/năm, tính đến thời điểm này đã thả trên 1.800ha, đa phần các vùng nuôi cá tra đều được ngành chức năng ủng hộ, quan tâm, nhất là UBND tỉnh Đồng Tháp luôn tạo điều kiện cấp mã số vùng nuôi cá tra cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi đạt 96%. Trong đó đã cấp mã số vùng nuôi cho hơn 1.600 ha/1770 ao của 18 doanh nghiệp và 180 hộ cá thể. Toàn tỉnh Đồng Tháp có 378 cơ sở nuôi, trong đó vùng nuôi của doanh nghiệp hơn 661ha/78 vùng, của hộ cá thể gần 967 ha/300 vùng.
 
 
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
 
Còn khoảng 4% còn chiếm gần 100 ha nuôi cá tra lại chưa được cấp mã số vùng nuôi là do vùng nuôi cá tra đó đang bị vướng khó khăn là do nằm trong vùng quy hoạch hay chưa chuyển đất lúa sang đất nuôi trồng thủy sản được.
 
Để xuất khẩu cá tra thuận lợi, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, có 100% cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi theo quy định, 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định và phục vụ xuất khẩu. Trong đó có trên 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP và 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.
 
Về nâng cao chất lượng cá tra giống, phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao, đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền. Môi trường nuôi cá tra tiếp tục được giám sát chặt chẽ và phấn đấu có 60% diện tích vùng nuôi hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định và 100% nguồn nước cấp trên dòng sông chính được quan trắc thường xuyên theo quy định.
 
 
 
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra sang 134 quốc gia trên  thế giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
 
Ông Lê Thành Đông, có 1ha mặt nước nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: Cá tra nuôi từ 7-9 tháng đạt sản lượng từ 380 - 400 tấn/ha, giá bán 28.000 - 29.000 đồng/kg, trọng lượng trung bình đạt 1 con/kg.
 
Trong quá trình nuôi, ông Đông sử dụng hệ thống máy cho cá ăn tự động điều khiển ra điện thoại và áp dụng đúng quy trình nuôi nên giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), giúp cá tăng trưởng nhanh và đều hơn, thích hợp trong nuôi cá tra giai đoạn giống và giai đoạn đầu của nuôi thâm canh, cá phát triển tốt. Mô hình từng bước giúp hộ nuôi thực hiện theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất, kiểm soát ở giới hạn cho phép... nhằm đảm bảo sức khỏe cho người nuôi và môi trường xung quanh.
 
Bên cạnh đó, ông Đông cũng được ngành chức năng trong tỉnh cấp mã số vùng nuôi để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới.
 
Khoa học công nghệ giúp nâng tầm giá trị cá tra
 
Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, sản xuất cá tra của tỉnh Đồng Tháp chiếm trên 33% diện tích và gần 35% sản lượng cá tra toàn vùng, cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng. Toàn tỉnh có 76 cơ sở cho cá sinh sản và hơn 1.100 cơ sở ương dưỡng giống cá tra (khoảng 950 ha). Hằng năm, cung cấp khoảng 20 tỷ con cá tra bột và khoảng 1,3 tỷ con cá tra giống, đủ nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
 
 
 
Phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao, đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
 
Về giải pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất giống cá tra tại Đồng Tháp, ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho rằng, hiện nay Đồng Tháp đang tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng cá tra, đặc biệt trong đó là làm tốt quan trắc môi trường nước nuôi thủy sản, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường, môi trường nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
 
Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm nhỏ lẻ liên kết lại với nhau hình thành các Hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng.
 
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra sang 134 quốc gia, do đó thị trường xuất khẩu của cá tra hiện nay rất đa dạng, từ các thị trường yêu cầu thấp như Châu Á - Trung Đông, Trung Quốc đến các thị trường cao cấp hơn như Châu Âu, Mỹ. Ngoài ra, thị trường trong nước cũng đã được quan tâm và đẩy mạnh.
 
Năm 2020, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã giới thiệu gần 20 sản phẩm chế biến từ cá tra và basa hướng đến phục vụ thị trường trong nước như: basa tẩm bột, chả lụa, sốt tartar, chabokki sốt cay, basa xẻ bướm tẩm gia vị. Ðây là các sản phẩm rất tiện dụng và giàu dinh dưỡng, với chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng trong nước.
 
 
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT về đảm bảo nguồn con giống có chất lượng tốt và từng bước thay thế dần đàn cá tra bố mẹ địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
 
Bên cạnh thông tin về thực trạng ngành hàng cá tra ĐBSCL, với nhiều kết quả nổi bật, nhất là giá trị xuất khẩu ngày càng tăng cao thì những hạn chế, khó khăn của ngành hàng này cũng không ít.
 
Cũng tại Lễ hội Cá tra lần thứ I, tỉnh Đồng Tháp đăng cai tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để phát triển ngành hàng cá tra ở ĐBSCL cần khắc phục những hạn chế về thiếu hụt nguồn giống cá tra bố mẹ chất lượng cao, tỷ lệ cá tra sống khi ương dưỡng từ giai đoạn bột đến cá giống còn thấp, chất lượng con giống chưa được kiểm soát tốt. Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra theo hướng ổn định.
 
"Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến cá tra góp phần cải thiện quy trình nuôi đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn, có giá trị cao và giải quyết các vấn đề về kiểm soát môi trường, giảm chi phí sản xuất. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành hàng cá tra", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.