Trong bối cảnh thị trường ô tô gặp nhiều khó khăn khi sản xuất giảm, lượng tồn kho lớn khiến nhiều doanh nghiệp báo cáo kinh doanh giảm sút trong 3 tháng đầu năm 2023, kỳ vọng việc giảm phí trước bạ ô tô tiếp tục được áp dụng sẽ mang tới khởi sắc cho thị trường ô tô cũng như cổ phiếu ô tô.
Theo thông tin mới nhất, Bộ Công Thương ủng hộ việc giảm lệ phí trước bạ ô tô và cho biết đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính xem xét kiến nghị mà Bộ Công Thương nêu.
Kỳ vọng "ánh sáng cuối đường hầm"
Có thể thấy, đây được cho là thông tin tích cực đối với ngành ô tô nói chung trong bối cảnh thị trường ô tô đang gặp nhiều khó khăn.
Doanh số bán xe trong 4 tháng đầu năm 2023 đang có chiều hướng đi xuống. (Ảnh: Int)
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng đầu năm 2023, sản xuất ô tô giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lượng tồn kho ô tô trong thời gian qua cũng khá cao.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sản phẩm ô tô như tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó, lãi suất tăng cao, tỷ giá và lạm phát,… dẫn đến lượng tồn kho các sản phẩm ô tô trong thời gian qua cao.
Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng sản xuất xe hơi trong nước đã ghi nhận đà giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm. Không chỉ vậy, doanh số bán xe cũng đang có chiều hướng đi xuống. Điều này gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp sản xuất. Một số địa phương có thể bị hụt thu ngân sách, lao động mất việc làm.
Cụ thể, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4/2023 chỉ đạt 22.409 xe, gồm xe 15.748 du lịch, 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Các phân khúc đều có sự giảm mạnh so với tháng 3/2023 như xe du lịch giảm 27%, xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51%.
Nguyên nhân của đà giảm này được cho là xuất phát từ việc chính sách giảm thuế trước bạ không được gia hạn. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp ô tô trong nước cũng đang phải cạnh tranh rất gay gắt để giành thị phần.
Thực tế, những khó khăn trên được phản ánh rõ nhất trong kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm của các doanh nghiệp ô tô.
Điển hình, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã: VEA) báo lãi sau thuế quý I gần 1.372 tỷ đồng và lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.359 tỷ đồng, đều giảm 7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ các công ty liên doanh, liên kết như Honda, Toyota, Ford, đồng thời công ty đem một nửa tài sản gửi ngân hàng lấy lãi. Trong khi đó, các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp gần như không biến động nhiều trong 3 tháng đầu năm.
Không chỉ các hãng sản xuất, mà các hãng phân phối ô tô cũng ghi nhận quý I/2023 kinh doanh ảm đạm.
Đơn cử như Savico (SVC), đơn vị phân phối nhiều thương hiệu như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mitsubishi, Volvo... ghi nhận lãi sau thuế chỉ còn 14,7 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm hơn 11 lần so với quý trước. Lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp vượt 2.000 tỷ đồng.
Haxaco (HAX) đang phân phối thương hiệu Mercedes-Benz cũng giảm hơn 40% doanh thu so với cùng kỳ, chưa đạt 1.000 tỷ đồng. Mức lãi trước thuế chỉ còn 5,6 tỷ đồng trong quý I, giảm khoảng 92%.
Cổ phiếu được kỳ vọng
Trở lại với việc giảm phí trước bạ ô tô, nếu Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ, cùng với việc lãi suất ngân hàng đang trở về mức hấp dẫn, và kỳ vọng xe điện có thể tạo nên sự đột phá cho ngành ô tô tại Việt Nam, dự báo thị trường ô tô sẽ khởi sắc trở lại. Đồng thời là “cứu cánh” cho nhóm cổ phiếu ô tô, thu hút dòng tiền tìm đến sau khoảng thời gian bị “quên lãng”.
Theo quan sát, trong năm 2022, cùng với đà giảm mạnh của VN-Index, thị giá nhiều mã cổ phiếu ô tô đã giảm từ 34% đến hơn 40% trong vòng một năm.
Ngược thời gian, thời điểm kể từ ngày nghị định giảm phí trước bạ có hiệu lực hôm 1/12/2021, cổ phiếu ô tô, nhất là của các ông lớn phân phối ô tô tại Việt Nam tăng vọt đáng kể.
Cụ thể, ngay trong phiên 1/12, 3 mã HAX, SVC và VEA tăng gần kịch trần. Thậm chí bất chấp thị trường chung có lúc mất 70 điểm chỉ trong 2 phiên giao dịch, bộ ba này chỉ giảm nhẹ và sau đó đã bật tăng mạnh mẽ trở lại.
Đáng chú ý, cổ phiếu SVC tăng trần liên tục, đưa thị giá từ mức 96.000 đồng/cp (ngày 1/12) lên 126.000 đồng/cp - mức giá đạt đỉnh lịch sử của cổ phiếu này vào phiên sáng ngày 7/12/2021.
Mặc dù ảnh hưởng của thông tin giảm phí trước bạ vẫn còn là câu hỏi nhưng cũng không thể phủ nhận thị trường chứng khoán thường phản ánh những thông tin tích cực cũng như tiêu cực lên giá cổ phiếu. Do đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ô tô nếu như chính sách giảm thuế trước bạ có hiệu lực trở lại.
Dù vậy, về triển vọng dài hạn, SSI Research vẫn đưa ra lưu ý về tác động của xe điện đến ngành ô tô tại Việt Nam.
Nhóm phân tích này cho rằng, còn quá sớm để đánh giá tác động của xe điện tới ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Các hãng xe mới bắt đầu thử nghiệm bán để đánh giá sự quan tâm của người tiêu dùng và Chính phủ trong việc chuyển sang loại xe này khi mà Việt Nam chưa có chiến lược phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện. Hơn nữa, giá của các mẫu EV vẫn cao so với các mẫu xe chạy xăng.
Mặt khác, bất chấp ế ẩm nhưng một số hãng xe, điển hình như Toyota vẫn có động thái tăng giá. Lý do được cho là xuất phát từ những khó khăn chung của nền kinh tế như nguy cơ lạm phát toàn cầu, biến động tỷ giá, các chi phí đầu vào tăng… khiến cho giá thành xe bị đội lên cao hơn trước.
Theo Sarah Foster, phóng viên kinh tế cấp cao tại Bankrate, tình trạng thiếu chip và lạm phát cao kết hợp lại đã khiến giá xe mới và xe đã qua sử dụng tăng cao trong suốt năm 2022 và sang năm 2023.
“Hiện đang là thời điểm đắt đỏ để người tiêu dùng mua một chiếc xe, dù có hoặc không tăng lãi suất”, Sarah Foster đánh giá.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã đưa ra khuyến nghị trung lập cho nhóm cổ phiếu ô tô và săm lốp trong các tháng cuối năm 2023.
Hải Giang