Chính phủ liên bang Đức có kế hoạch đầu tư 88 tỷ euro (94,34 tỷ USD) cho việc mở rộng và hiện đại hóa hệ thống đường sắt ở nước này trong 4 năm tới.
Tuy nhiên, cho tới nay mới chỉ gần một nửa số tiền này được đưa vào kế hoạch tài chính. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ liên bang ước tính tổng số tiền để mở rộng và hiện đại hoá hệ thống đường sắt ở Đức sẽ cần 88 tỷ euro từ năm 2024 cho tới năm 2027.
Con số này được Chính phủ Đức nêu ra khi trả lời câu hỏi của chuyên gia ngân sách đảng Cánh tả Victor Perli trong Quốc hội Đức. Tuy nhiên, Chính phủ Đức không cho biết cụ thể về nguồn ngân sách này được lấy từ đâu, viện dẫn lý do quá trình chuẩn bị ngân sách vẫn đang được tiến hành.
Trong số các kế hoạch dự kiến, đặc biệt là để mở rộng và cải tạo mạng lưới đường sắt, cho đến nay mới chỉ có 43 tỷ euro được tính toán trong kế hoạch tài chính. Vào cuối tháng 3/2023, Ủy ban liên minh liên minh cầm quyền giữa ba đảng gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã thông qua nghị quyết về 45 tỷ euro còn lại, theo đó tiền từ thu phí xe tải sẽ được sử dụng để tài trợ cho phần lớn kế hoạch mở rộng và hiện đại hoá hệ thống đường sắt.
Phản hồi nêu trên của Chính phủ Đức cho thấy khoản tiền 45 tỷ euro không nằm trong số ngân sách đã được lên kế hoạch, mà sẽ là các khoản bổ sung.
Theo ông Perli, việc củng cố hệ thống đường sắt quốc gia cần nhiều kinh phí hơn so với số tiền mà liên minh cầm quyền đã chuẩn bị, cho rằng các mục tiêu mở rộng đường sắt cho đến nay vẫn "hoàn toàn thiếu vốn".
Ông cho rằng, để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Chính phủ Đức phải đầu tư gấp đôi cho đường sắt tới năm 2027 so với kế hoạch trước đây. Tuy nhiên, cho tới nay, Chính phủ Đức vẫn chưa công bố về dự thảo ngân sách năm 2024. Báo chí Đức bình luận việc chậm trễ này là do còn có sự khác biệt về quan điểm giữa các đảng trong liên minh cầm quyền.
Theo kết quả mà liên minh cầm quyền ở Đức đạt được cuối tháng Ba vừa qua, đối với ngành giao thông vận tải, hệ thống đường sắt của Đức sẽ nhận được khoản đầu tư trị giá 45 tỷ euro tới năm 2027, được tài trợ một phần từ phụ phí carbon đối với xe tải (200 euro/tấn khí thải CO2 sẽ được áp dụng với xe khai thác thương mại trên 3,5 tấn từ năm 2024).
Mạng lưới đường sắt hiện tại sẽ được số hóa để cho phép vận chuyển nhiều hành khách và hàng hóa hơn. Đến năm 2030, lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt dự kiến chiếm 25% thị phần. Giao thông công cộng, nhất là ở các vùng nông thôn, và đường dành cho xe đạp sẽ được mở rộng./.