Tôm xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về giá bán, thị trường khiến doanh nghiệp phải xoay xở tìm cách giữ đơn hàng.
Công ty TNHH Thông Thuận sản xuất tôm chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm 2023. Ảnh: T.T
Thị trường Mỹ giảm sâu
Vừa trở về sau chuyến công tác tại nước ngoài để tìm hiểu về thị trường, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thông Thuận cho biết, nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ và EU giảm khá mạnh. Qua tìm hiểu thực tế trên thị trường mới thấy tình hình khó khăn thực sự. “Tôi và cộng sự đứng quan sát trong siêu thị xem nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, sau khoảng hai tiếng đồng hồ nhưng không thấy khách hàng nào mua sản phẩm tôm, trong khi đó, những năm trước, cũng trong khoảng thời gian tương tự có 2 người mua tôm trên 2 sản phẩm”- ông Cường chia sẻ.
Là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, theo ông Cường, mỗi năm Công ty TNHH Thông Thuận làm thủ tục XNK các lô hàng thủy sản đạt kim ngạch khoảng 100 triệu USD. Chia sẻ với chúng tôi về đơn hàng xuất khẩu (XK) năm 2023, ông Cường cho rằng, XK trong những tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 40%, công ty đang tập trung sản xuất hàng cho nửa cuối năm, vì kỳ vọng thời điểm này XK sẽ phục hồi.
Không chỉ sức mua giảm, các doanh nghiệp XK tôm còn đối mặt với việc cạnh tranh gây gắt với tôm từ các nước khiến giá tôm giảm mạnh. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, gần đây nhất là giá tôm thương phẩm giảm giá hàng ngày, thậm chí có ngày giảm tới ba lần. Bên cạnh đó, tồn kho các thị trường lớn tuy có giảm nhưng không mạnh. Các đầu mối nhập khẩu, phân phối phải bán giá thấp để nhanh chóng quay vòng vốn. Đây là một yếu tố tác động không nhỏ làm giá tiêu thụ giảm. Từ đầu quý 2 vừa qua, tôm các nước nuôi ở Nam bán cầu như Ecuador, Indonesia vào vụ sớm, chào hàng sớm như thông lệ, tạo thêm áp lực sức cung khiến gia tăng cường độ giảm giá bán.
Tình hình kinh tế diễn biến không thuận lợi, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, chọn những sản phẩm thủy sản có giá rẻ... Tình trạng đó khiến cho XK thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4, khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch 418 triệu USD, giảm đến 57% so với cùng kỳ 4 tháng đầu năm ngoái.
Xoay xở thay đổi chiến lược
Trước thực tế khó khăn đối với thủy sản XK, đặc biệt là mặt hàng chủ lực tôm, nhiều doanh nghiệp đã xoay xở để thay đổi chiến lược, tìm kiếm đơn hàng. Ông Đặng Quốc Cường cho biết, mới đây Công ty TNHH Thông Thuận cử hai đoàn tham gia hội chợ thủy sản quốc tế. Thay vì tham gia hội chợ để bán hàng như những năm trước, năm nay công ty tham gia hội chợ với mục đích tìm hiểu thực tế tại thị trường xuất khẩu.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), một số doanh nghiệp XK thủy sản cũng chọn lối đi riêng trong bối cảnh hiện nay để duy trì sản xuất, XK. Một số ít doanh nghiệp do cách nhìn của mình, chọn giải pháp nhập khẩu tôm khối giá rẻ để tăng sức cạnh tranh, nhưng hoàn cảnh chung này, giá rẻ không còn rẻ. Các doanh nghiệp tôm dù tồn kho nhưng vẫn cần một lượng tôm thương phẩm hàng ngày để phối hợp hàng tồn kho nhằm dễ tiêu thụ vì đầy đủ kích cỡ hơn. Nhưng tình hình trên, giá tôm thế giới giảm kéo dài ngoài dự kiến, khiến các doanh nghiệp đành phải giảm giá mua tôm thương phẩm nhằm hạn chế thiệt hại, cố gắng duy trì nhịp thở của doanh nghiệp để kỳ vọng vượt qua khó khăn.
“Nếu không hoà mình vào dòng chảy này thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua thiệt các đối thủ nước ngoài đang nỗ lực tăng tốc. Hãy nhìn Ecuador, trong vòng 5 năm sau khi hồi phục (2018-2022) họ đã xây dựng rất tốt hình ảnh tôm của họ. Đó là nói tới tôm Ecuador là nói tới tôm nuôi đạt chuẩn ASC, nói góc nhìn khác là tôm bền vững, vì họ có 20% diện tích nuôi tôm đạt chuẩn này, trong khi tôm nuôi chúng ta, tỉ lệ này quá thấp. Tôm của họ đã có sức thu hút lớn, ngoài yếu tố giá rẻ. Tôm chúng ta có lợi thế gì để tăng sức cạnh tranh, ngoài trình độ chế biến sâu nhưng liền đó là giá chào bán quá cao, khó tăng thị phần”- ông Hồ Quốc Lực đánh giá.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, thời gian gần đây đã có những doanh nghiệp chọn phương án bán tôm sang Campuchia theo dạng tươi sống thay vì đưa vào chế biến xuất khẩu như thường thấy trước đây. Các chuyên gia cho rằng, trong hoàn cảnh đầy khó khăn hiện nay, việc tìm giải pháp vượt qua các trở ngại trước mắt là việc tập trung mọi nguồn lực để sớm vãn hồi tình hình. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải coi trọng việc phát triển lâu dài trên nền tảng bền vững.