Trong khi hai “siêu trụ” VCB và VIC gây lo lắng đúng thời điểm VN-Index luẩn quẩn vùng đỉnh cũ thì phiên này những gương mặt cũ tái xuất là VNM, VPB cộng với “ngựa ô” HPG đã thành công. VN-Index đóng cửa tăng 4,08 điểm lên ngưỡng 1.126,76, chính thức ở mức điểm số cao nhất kể từ đầu năm 2023...
VN-Index phục hồi tốt sau những rung lắc trong phiên.
Trong khi hai “siêu trụ” VCB và VIC gây lo lắng đúng thời điểm VN-Index luẩn quẩn vùng đỉnh cũ thì phiên này những gương mặt cũ tái xuất là VNM, VPB cộng với “ngựa ô” HPG đã thành công. VN-Index đóng cửa tăng 4,08 điểm lên ngưỡng 1.126,76, chính thức ở mức điểm số cao nhất kể từ đầu năm 2023.
VCB giảm 0,5%, VIC giảm 0,76%, GVR giảm 1,81%, CTG giảm 0,68%, GAS giảm 0,42% là các cổ phiếu trụ kìm hãm đà bùng nổ điểm số. Nếu các mã này tích cực hơn, chỉ cần quay về tham chiếu, VN-Index đã có một phiên đột phá thực sự ấn tượng.
VN30-Index đóng cửa tăng 0,82%, mạnh hơn nhiều so với Midcap tăng 0,31%, Smallcap tăng 0,24% cũng cho thấy vai trò lớn của nhóm cổ phiếu blue-chips trong sự kiện vượt đỉnh này. Chốt phiên sáng, VN30 mới tăng 0,27% và chỉ có 10 mã tăng/19 mã giảm. Chiều nay 21/30 mã có tiến triển giá tốt hơn, tạo lực kéo mạnh và đảo ngược độ rộng của nhóm thành 15 mã tăng/15 mã giảm.
VNM tỏa sáng sau gần 6 tháng chỉ biết “mùi” lao dốc giảm. Hai phiên liền trước cổ phiếu này cũng đã nhúc nhích phục hồi, hôm nay mới bùng nổ tăng 3,29%. Đây là mức tăng mạnh nhất của VNM trong năm 2023 tính đến thời điểm này. Đem về gần 1,2 điểm cho VN-Index, VNM trở thành trụ kéo khỏe nhất. Không chỉ vậy, VNM còn lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản với 11,96 triệu cổ, tương ứng 816,2 tỷ đồng.
Tuy thanh khoản rất, VNM vẫn chỉ đứng thứ hai thị trường sau VPB. Cổ phiếu này cũng tăng cực tốt 3,06%. Tiếc là VPB vốn hóa kém VNM nên chỉ đem về hơn 1 điểm. Thanh khoản VPB cao nhất với 42,32 triệu cổ, tương ứng 853,2 tỷ đồng.
Ngoài hai trụ đáng kể nhất nói trên, còn loạt cổ phiếu khác mạnh mẽ là HPG tăng 2,21%, MSN tăng 1,31%, SAB tăng 1,1%. Ngoài ra là một số cổ phiếu mạnh khác chưa được xếp vào nhóm trụ như BVH tăng 2,15%, MBB tăng 1,51%, ACB tăng 1,15%...
Một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong VN-Index vẫn đỏ, nhưng số tăng cũng vẫn cân bằng lại được.
Việc đảo trụ thành công là nhân tố quan trọng giúp VN-Index vượt đỉnh hôm nay. Như VNM, cổ phiếu âm thầm được bắt đáy suốt từ đầu tháng 6 với lượng giao dịch trung bình cao gấp 3 lần mức trung bình 3 tháng liền trước, cuối cùng xuất hiện một ngày bùng nổ thanh khoản. Lợi thế vượt trội về vốn hóa của nhóm blue-chips đã tạo đủ động lực cho chỉ số, khi độ rộng tổng thể không chênh lệch nhiều, với 235 mã tăng/200 mã giảm. Thậm chí nhóm Midcap và Smallcap đều rớt lại phía sau.
Tính về thanh khoản, dòng tiền mạnh lên ở các blue-chips cũng khá rõ. Tổng giá trị khớp sàn HoSE tăng rất nhẹ 2,8% so với hôm qua, tương ứng mức tăng tuyệt đối 463 tỷ đồng, thì Midcap giảm 9%, Smallcap tăng 6,5%, riêng VN30 tăng 19% với mức tăng tuyệt đối 993 tỷ đồng. Như vậy VN30 là động lực tăng thanh khoản của VN-Index, bên cạnh động lực kéo điểm số.
Dĩ nhiên tính về biên độ giá, các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có lợi thế riêng. HoSE có 92 cổ phiếu tăng trên 1% so với tham chiếu, trong đó 56 mã tăng trên 2% và chỉ 4 mã blue-chips lọt vào nhóm này. 10 mã đóng cửa ở giá kịch trần toàn là các cổ phiếu nhỏ. Nhóm mạnh khác như AGG, VSC, HHP, AGR, TDC, CTD, VIX, APG, DRH tăng trên 3% với thanh khoản khá lớn.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng hỗ trợ thị trường chút ít, khi đảo chiều mua ròng. Cụ thể, khối này giải ngân thêm 769 tỷ đồng trong khi bán ra 667,6 tỷ đồng. Mức mua ròng 101,4 tỷ đồng phiên chiều bù lại đáng kể vị thế bán ròng buổi sáng, nên tính chung cả ngày, khối ngoại chỉ còn bán ròng 41,3 tỷ trên HoSE. VPB bị bán đáng kể nhất với 94,6 tỷ, còn lại là BIC -56,7 tỷ, TPB -51,4 tỷ, VRE -29,5 tỷ, STB -43,4 tỷ, NLG -41,6 tỷ, BID -23,6 tỷ, VCB -20,2 tỷ. Phía mua ròng có HPG +128 tỷ, VHM +44,5 tỷ, KDH +30,2 tỷ, FRT +27 tỷ, PVD +25,7 tỷ, GMD +22,2 tỷ, SSI +20,6 tỷ.