• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,83 -1,38/-0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,83   -1,38/-0,11%  |   HNX-INDEX   225,29   -0,03/-0,02%  |   UPCOM-INDEX   92,44   0,00/0,00%  |   VN30   1.309,18   +0,35/+0,03%  |   HNX30   482,13   +0,21/+0,04%
04 Tháng Mười Hai 2024 12:18:23 SA - Mở cửa
Để logistics trở thành đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản
Nguồn tin: Báo Hải quan | 28/06/2023 7:35:00 SA
Khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống logistics sẽ giúp nông sản Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mang lại sự bền vững cho tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng.
 
 
Chật vật đủ đường
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), dù là nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, song quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sản xuất theo chuỗi liên kết còn hạn chế, hao hụt thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghiệp bảo quản chế biến chưa hiện đại dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao, tình trạng được mùa mất giá còn xảy ra. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những tồn tại này là các dịch vụ hỗ trợ cho kinh doanh nông sản, đặc biệt là dịch vụ logistics còn hạn chế.
 
Theo thống kê của VLA, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính riêng trong khu vực ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).
 
Là chủ một DN xuất khẩu trái cây lớn, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T Vina chỉ ra rằng, dù là vựa nông sản hàng đầu của cả nước, nhưng dịch vụ logistics của nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa phát triển. Cụ thể, các phương tiện vận tải lớn không thể vào tận vùng nguyên liệu để thu mua. Do đó, DN phải sử dụng nhiều phương tiện trung gian như xuồng, ghe, xe máy, xe ba gác, xe tải loại nhỏ… để đưa nông sản về nhà máy sơ chế, đóng gói.
 
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cũng nhận định hạ tầng cơ cở sản xuất, chế biến, bảo quản tại Việt Nam còn yếu khiến tỷ lệ hao hụt ở mức cao, lên tới 30-35%.
 
Báo cáo của Bộ NN&PTNN cũng cho thấy, các dịch vụ như sơ chế đóng gói tại vùng sản xuất tập trung chưa có hoặc chưa đáp ứng yêu cầu, nông dân phải chở sang các nơi khác sơ chế đóng gói nên chi phí lớn. Ví dụ tại một số tỉnh Tây Nguyên, các DN đang phải thuê, xây dựng kho bãi tại các tỉnh, thành như Đồng Nai, TPHCM… để tập kết hàng hóa, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Với các DN chế biến, hiện các hệ thống kho nằm rải rác ở các nơi. Tại các khu công nghiệp nhà máy bảo quản, lưu kho không đủ công suất. Đặc biệt, ngành nông nghiệp còn đang thiếu các trung tâm kiểm định, chiếu xạ có đủ điều kiện và được cấp chứng chỉ hành nghề tại các vùng nông nghiệp trọng điểm. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có hai đơn vị chiếu xạ, một ở miền Nam và một ở miền Bắc.
 
Không chỉ bất cập trong các khâu logistics nội địa mà khi lên đường xuất khẩu, hàng nông sản Việt Nam cũng phải chịu sức ép cao hơn so với nhiều nước. Bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU cho biết, dù có chất lượng không hề thua kém, song nông sản Việt Nam gặp thách thức về chi phí vận chuyển so với đối thủ cạnh tranh trong khu vực là Thái Lan, bởi nước này có lợi thế về nhiều chuyến bay đến Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Đông… tần suất đều mỗi ngày. Đối với đường biển, các hãng tàu ở Thái Lan có 70 điểm đến ở châu Á, Ấn Độ, Trung Đông. Theo đó, giá cước vận tải của Thái Lan đi đến các thị trường quốc tế thấp hơn so với Hà Nội, TPHCM từ 1 – 1,2 USD/kg.
 
Tương tự, theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính riêng trong khu vực ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%). Theo VLA, chi phí logistics ở Việt Nam cao là do phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam xuất khẩu dù có nhiều lợi thế nhưng không cạnh tranh lại với các nước, đặc biệt là Thái Lan.
 
Biến bất cập thành đòn bẩy
 
Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam đánh giá, nông sản là mặt hàng đòi hỏi sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hơn các hàng hóa tiêu dùng thông thường khác. Do đó, vai trò của các DN xuất khẩu phải được kết nối chặt chẽ hơn với hệ thống logistics, bởi đây không chỉ là cầu nối, mà còn được xem như đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
 
Theo Bộ NN&PTNN, chuỗi cung ứng nông sản liên quan nhiều khâu, nông sản mang tính thời vụ và theo mùa, nhiều mặt hàng nông sản cần đảm bảo tươi sống, dễ hư hỏng, dễ nhiễm khuẩn và chỉ có giá trị trong một thời hạn ngắn. Nhiều nông sản cần bảo quản ở nhiệt độ thấp, nhiệt độ cho các mặt hàng nông sản khác nhau cần được kiểm soát khác nhau tùy từng giai đoạn; chất lượng và mẫu mã không đồng nhất và các vấn đề an toàn thực phẩm… Do đó, dịch vụ logistics nông nghiệp có tính khác biệt phải gắn với các vùng sản xuất, phải đảm bảo một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Do đó, logistics trong nông nghiệp cần được chú trọng vào đầu tư phát triển các hạ tầng kho, bãi; vận tải lạnh, các dịch vụ đóng gói, chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm…
 
Bà Nguyễn Tú Uyên cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng nhiều tuyến đường kết nối đến các vùng nguyên liệu như Sơn La, An Giang, Khánh Hòa…, giúp thời gian vận chuyển từ đây đến các đầu mối cảng biển, hàng không đã được rút ngắn rất nhiều. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối tốt từ các vùng nguyên liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để người nông dân, hợp tác xã, DN có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất. Đồng thời quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, trong đó có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế để nâng chất lượng và ổn định giá thành. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực. Kết nối đường thủy, đường bộ, đường sắt để phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa.
 
Để giải quyết những khó khăn, bất cập, giúp logistics trở thành đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản, Bộ NN&PTNN đang xây dựng dự thảo Đề án Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050. Dự thảo Đề án đặt ra nhiệm vụ rà soát lại hệ thống logistics tại các vùng sản xuất trọng điểm, các địa điểm đang dự kiến xây dựng các trung tâm logistics. Đồng thời thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống logistics nói chung và hệ thống logistics nông nghiệp nói riêng. Theo đó, hệ thống logistics nông nghiệp cần gắn với các vùng sản xuất trọng điểm, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng nguyên liệu gỗ và hệ thống các trung tâm logistics trên cả nước.
 
Dự thảo Đề án đã xây dựng hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp 3 cấp, gồm: trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng mang tính động lực, quy mô lớn kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu; trung tâm logistics nông nghiệp tại các vùng sản xuất tập trung hỗ trợ sản xuất hiệu quả, đảm bảo chất lượng, gia tăng giá trị nông sản, kết nối với trung tâm logistics cấp vùng và trung tâm logistics phục vụ xuất khẩu và trung tâm logistics nông nghiệp phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh có cửa khẩu và các cảng xuất khẩu nông sản.