Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XV đã nêu thực trạng, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài.
Các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn về sản xuất, thị trường, các khoản nợ... Ảnh minh họa: H.Dịu
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phải “bán mình” để trả nợ. Đơn cử, ngành chăn nuôi gia cầm thời gian qua liên tục “kêu cứu” cơ quan quản lý về kiểm soát gia cầm nhập lậu trong bối cảnh sức cầu tiêu thụ giảm, chi phí đầu vào tăng khiến doanh nghiệp, hộ kinh doanh chăn nuôi rơi vào tình cảnh thua lỗ. Có doanh nghiệp cho biết, giá bán ra của thịt gà đã rơi từ 57.000 – 58.000 đồng/kg xuống chỉ còn 47.000 đồng/kg, thậm chí có giai đoạn xuống 35.000 đồng/kg trong khi chí phí cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quá cao, kèm theo lãi vay ngân hàng, chi phí vận tải, trung gian… nên “ăn mòn” lợi nhuận, khiến doanh nghiệp này đã phải bán đi hai nhà máy gần 80 tỷ đồng để bù lỗ. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 6 tháng thì doanh nghiệp có thể phá sản.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp đang phải bán bớt tài sản để giảm bớt gánh nặng lãi vay ngân hàng bởi việc thực hiện chính sách gia hạn nợ, cơ cấu nợ vẫn chưa hiệu quả. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp không đủ tài chính trả nợ nên đã phải gán nợ, chấp nhận dùng tài sản đảm bảo để trả nợ ngân hàng. Hiện trên các website của nhiều ngân hàng thương mại, thông báo đấu giá tài sản đảm bảo để thu hồi nợ liên tục được đăng tải. Tuy vậy, nhiều tài sản được rao đi rao lại nhiều lần, giá khởi điểm cũng hạ xuống mà vẫn “ế ẩm”.
Chẳng hạn mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Long Biên Hà Nội thông báo kế hoạch bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Thương mại Phú Minh Châu và Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Trí Đức. Tài sản đấu giá bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ tính đến ngày 15/03/2023 là hơn 543 tỷ đồng. Trước đó, BIDV Hải Phòng đã thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần thép Việt Nhật lần thứ 17. Tổng dư nợ của khoản nợ tính đến ngày 23/5/2022 là 447 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo lần thứ 13 bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Phương Nam Nhi. VietinBank đưa ra giá khởi điểm là 20,3 tỷ đồng, chỉ bằng 22% giá trị khoản nợ (đến ngày 14/5/2023 là 93,5 tỷ đồng), giá khởi điểm này còn thấp hơn cả dư nợ gốc (24,7 tỷ đồng). Agribank cũng đã thông báo bán khoản nợ hơn 124 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Phương Thành Công với tài sản bảo đảm là một loạt bất động sản tại Bình Dương...
Không chỉ trả nợ và trang trải chi phí, nhiều doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng khó khăn do đến hạn thanh toán trái phiếu. Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn đã họp với trái chủ, thông qua việc chấp thuận điều chỉnh giá bán các tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản từ 135 tỷ đồng về 75 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đang trễ hẹn trả nợ 800 tỷ đồng trái phiếu. Tương tự, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã có kế hoạch phát mại tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ với trái chủ. Ngoài ra, trong năm nay, Angimex có kế hoạch bán một loạt tài sản, trong đó có những tài sản lớn như Nhà máy Chế biến lúa gạo Đa Phước, Nhà máy Chế biến lương thực Đồng Tháp...
Như vậy, các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn bủa vây do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì thế, trong khảo sát thực trạng doanh nghiệp mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Đây là những con số ở mức thấp trong suốt 18 năm VCCI triển khai khảo sát doanh nghiệp thường niên.
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp phải bán một phần tài sản để chi trả cho các khoản nợ là chuyện bình thường trên thương trường, tuy nhiên, về lâu dài, tình trạng doanh nghiệp phải bán tài sản, thậm chí bán toàn bộ doanh nghiệp cho các đối tác nước ngoài có thể tạo ra nguy cơ mất an toàn, an ninh kinh tế.
Nhận xét về thực trạng nêu trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, các doanh nghiệp trong nước đang suy kiệt nên việc hỗ trợ cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái hỗ trợ kéo giảm lãi suất cho vay nhưng quan trọng hơn nữa là cần giảm thủ tục, quy trình cho vay. Tương tự, ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cho rằng, cơ quan quản lý cần tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, tiếp cận vốn…