• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.246,09 -3,46/-0,28%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.246,09   -3,46/-0,28%  |   HNX-INDEX   221,68   -0,01/0,00%  |   UPCOM-INDEX   92,84   +0,04/+0,04%  |   VN30   1.314,81   -2,14/-0,16%  |   HNX30   461,80   +1,55/+0,34%
22 Tháng Giêng 2025 7:41:36 SA - Mở cửa
Năm 2030, Đồng Nai sẽ có 17 đô thị
Nguồn tin: Báo Đồng Nai | 19/07/2023 8:50:00 CH
Theo dự thảo báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai định hướng sẽ phát triển 17 đô thị, tăng thêm 6 đô thị so với thời điểm hiện tại.
 
 
Đến năm 2030, đô thị Biên Hòa sẽ có đa số tiêu chí đạt chất lượng đô thị trung tâm của thành phố loại I trực thuộc Trung ương Trong ảnh: Khu vực các phường: Quang Vinh, Trung Dũng, Hòa Bình (TP.Biên Hòa) nhìn từ trên cao. Ảnh: P.TÙNG
 
Trong quá trình phát triển, đô thị là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
 
Hình thành các đô thị mới
 
Hiện nay, sau gần 10 năm thực hiện chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 116/NQ-HĐND tỉnh về chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 ngày 11-7-2014  ngày 11-7-2014, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 11 đô thị.
 
Thời gian tới, Đồng Nai được đánh giá có rất nhiều tiềm năng để tạo ra sự bứt phá phát triển. Đồng Nai có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cộng với các cơ hội mới là độ mở của nền kinh tế khi Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Cùng với đó là hiệu ứng lan tỏa gắn liền với sự cải thiện về hạ tầng kết nối, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông quốc gia mang lại cơ hội rất lớn cho tỉnh kết nối với các khu vực kinh tế năng động. Trong quá trình đó, việc phát triển hệ thống đô thị của tỉnh cũng được đánh giá có nhiều thuận lợi.
 
Theo Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1 đô thị loại I (TP.Biên Hòa), 1 đô thị loại III (TP.Long Khánh), 2 đô thị loại IV (Long Thành, Trảng Bom) và 7 đô thị loại V (Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An và Hiệp Phước).
 
Trong dự thảo báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên danh đơn vị tư vấn đã định hướng quy hoạch phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
 
Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh cho biết, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 75-80%. Với tỷ lệ đô thị hóa đó, toàn tỉnh sẽ có 17 đô thị. Trong đó, đô thị Biên Hòa sẽ là đô thị loại I, với đa số tiêu chí đạt chất lượng đô thị trung tâm của thành phố loại I trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, 2 đô thị Long Khánh, Nhơn Trạch sẽ là những đô thị loại II. Các đô thị Trảng Bom và Long Thành sẽ là những đô thị loại III. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh cũng sẽ có 6 đô thị loại IV là TX.Thống Nhất và các thị trấn: Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray, Định Quán, Tân Phú.
 
Đặc biệt, trong định hướng quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, sẽ hình thành thêm các đô thị mới là đô thị: Thạnh Phú, Sông Nhạn, La Ngà, Phú Túc, Phú Lý và Phú Lâm. Đây sẽ là các đô thị loại V trên địa bàn tỉnh.
 
Phát triển đô thị gắn với các hành lang kinh tế
 
Trong định hướng phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, các đô thị sẽ được hình thành dọc trên các tuyến hành lang kinh tế mới theo quy hoạch. Trên cơ sở đó, các đô thị phát triển phù hợp với đặc điểm từng khu vực theo đúng định hướng trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
 
 
 
 
Cụ thể, với hành lang kinh tế Đông - Tây (hành lang cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết) với các tuyến giao thông bao gồm quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, vốn là trục tạo nên chuỗi đô thị trọng tâm của tỉnh. Trong tương lai, khi các tuyến cao tốc hình thành luồng vận tải mới xoay trục từ Đông - Tây thành Bắc - Nam, khu vực TP.Biên Hòa - TP.HCM sẽ gần như được giải thoát khỏi vai trò vận tải nặng, trở thành trục giao thương đô thị đáng sống. Đây sẽ là cơ sở để đưa Biên Hòa trở thành trung tâm đô thị tri thức, sáng tạo, thay vì chỉ là một trung tâm đô thị công nghiệp công nghệ cũ.
 
Trong khi đó, hành lang Bắc - Nam (hành lang cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), với điểm trung tâm tại TP.Biên Hòa sẽ là hành lang công nghiệp hóa - đô thị hóa quy mô lớn. Trong tương lai, trục này sẽ được nối thẳng từ Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đến TP.Vũng Tàu bởi các đường vận tải nặng và trở thành trục kinh tế trọng điểm, lấy 3 tỉnh công nghiệp hóa là: Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu làm địa bàn phát triển, thu hút lực lượng lao động và tri thức từ trung tâm vùng. Vì vậy, trục này sẽ bao gồm các đô thị “trẻ”, năng động, hiện đại.
 
Với hành lang phía Tây Nam (hành lang cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) bao gồm các trục cao tốc: TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, đường sắt đô thị TP.HCM - cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và nhiều trục phụ khác theo các cầu qua sông Đồng Nai nối trung tâm TP.HCM với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Các khu đô thị, khu chức năng thời kỳ mới sẽ hình thành trên tuyến không gian này, nối giữa 2 cực là trung tâm kinh tế quốc gia (TP.HCM) và trung tâm cửa ngõ quốc gia (sân bay Long Thành).
 
Bên cạnh đó, các chuỗi đô thị nhỏ có chức năng trung tâm huyện và du lịch sinh thái, nông nghiệp sẽ được hình thành trên hành lang phía Đông Bắc (hành lang cao tốc Dầu Giây - Liên Khương).
 
Cuối cùng, các đô thị xanh, văn minh, hiện đại, đô thị sinh thái sẽ được hình thành dọc hành lang sông Đồng Nai, vốn là trục vận tải hàng hải quốc tế và nội địa có luồng lạch ăn sâu vào các trung tâm kinh tế của vùng, liên kết trực tiếp với cảng quốc tế Cái Mép.
 
Đánh giá về việc định hướng phân bổ các đô thị theo các hành lang kinh tế, Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, việc phát triển theo các hành lang kinh tế, dựa vào các tuyến giao thông cần có sự nghiên cứu phù hợp. Việc phát triển các đô thị dọc các tuyến đường vành đai 3, 4-TP.HCM là phù hợp. Tuy nhiên, dọc các tuyến cao tốc cần có sự xem xét lại. “Quan điểm lâu nay là phát triển bám theo các tuyến đường. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị dọc các tuyến cao tốc không phù hợp” - ông Hồ Văn Hà chia sẻ quan điểm.
 
Thay vào đó, ông Hà cho rằng, cần phải có cách nhìn khác trong quy hoạch phát triển đô thị theo hướng phát triển các cụm đô thị vừa phù hợp xu thế, vừa dễ thu hút đầu tư, tránh tình trạng phải đầu tư dàn trải.