• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:12:35 CH - Mở cửa
Công nghiệp bán dẫn sẽ 'bùng nổ' với loạt dự án FDI tỷ USD?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 10/08/2023 8:59:10 SA

Việt Nam đang trở thành nơi xây ‘tổ’ của các dự án FDI về công nghiệp bán dẫn với giá trị hàng tỷ USD. Bên cạnh tạo lập cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu đầu tư, vấn đề của Việt Nam là phải khai thác hiệu quả các thế mạnh của mình để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Tập đoàn Victory Giant Technology (Trung Quốc) vừa lựa chọn Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh là địa điểm để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam. Victory Gaint Technology là doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, kinh doanh các linh kiện điện tử, chất bán dẫn, có nhiều đối tác, khách hàng lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Các ‘đại bàng’ lần lượt đến xây tổ

"Sau một thời gian tìm hiểu, Tập đoàn này quyết định lựa chọn Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh là địa điểm để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD, khi đi vào hoạt động dự kiến cho giá trị sản xuất mỗi năm đạt khoảng 1 tỷ USD", theo Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh.

Công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. 

Kỳ vọng Việt Nam sớm trở thành “miền đất” thu hút mới của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới bắt đầu được nhắc đến nhiều sau khi đại dịch COVID-19, khi chính sách đóng cửa chống dịch kéo dài của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn.

Trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay, Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam, trong đó mong muốn hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí với đề xuất của phía Mỹ và nhấn mạnh việc mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip, chất bán dẫn cũng là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam đang thúc đẩy thể chế, chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật, quản trị hiện đại và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.

Vào thời điểm tháng 8 năm ngoái, lãnh đạo Tập đoàn Samsung trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, Samsung đang chuẩn bị thử nghiệm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà ở nhà máy Samsung Thái Nguyên. Chất bán dẫn sẽ đánh dấu hoạt động kinh doanh thứ 3 của Samsung tại Việt Nam, nơi công ty đang sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh.

Nói tới chất bán dẫn không thể không nhắc tới Intel - một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.

Hay một dự án khác trong lĩnh vực bán dẫn đang được triển khai đáng quan tâm là dự án 1,6 tỷ USD của Công ty Amkor Technology Việt Nam (Hàn Quốc). Dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới và đưa vào sản xuất thử nghiệm ngay sau đó.

'Chớp' cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị

Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, việc các công ty thiết kế vi mạch của Hàn Quốc đi theo Samsung vào Việt Nam như trường hợp của của Công ty SNST&Finger Vina tại Khu Công nghệ cao TP.HCM và CoAsia tại Hà Nội, và gần đây là các dự án nhà máy đóng gói và thử nghiệm vi mạch của Amkor tại Bắc Ninh và của Samsung tại Thái Nguyên cho thấy quy mô của ngành điện tử Việt Nam đã đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong các khâu thiết kế và đóng gói. Gần đây, Công ty Infineon mở Văn phòng thiết kế tại Hà Nội để phục vụ khách hàng của mình là Vinfast là một ví dụ sinh động khác về vai trò của các công ty điện tử đối với sự phát triển của ngành vi mạch.

Theo một báo cáo của Gartner, doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Điều này có nghĩa, tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD.

Dữ liệu được công bố trên Cổng thông tin KH&CN quốc gia cho thấy, hiện nay Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Cùng với thiết kế vi mạch, lĩnh vực đóng gói vi mạch (IC packaging) cũng là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Intel tại Khu công nghệ cao TPHCM với tổng vốn đầu tư tích lũy đến nay hơn 4,1 tỷ USD. Hệ sinh thái các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của nhà máy đóng gói Intel cũng từng bước được hình thành và củng cố cùng với sự phát triển của dự án Intel.

Để không bỏ lỡ cơ hội tỷ USD, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, xây dựng một đề án về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp sản xuất chip điện tử, nhằm tạo động lực phát triển mới.

PGS. TS. Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh, vấn đề chiến lược đặt ra với Việt Nam là làm thế nào để tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và khai thác hiệu quả các thế mạnh của mình để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Theo đó, cần tiếp tục củng cố thế mạnh của Việt Nam trong các khâu thiết kế và đóng gói vi mạch bán dẫn, trong đó đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có vai trò trọng yếu trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiệm vụ chiến lược.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch “Make in Viet nam” phục vụ cho các thị trường ngách trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu. Và đặc biệt, Việt Nam cần kiên trì tìm kiếm các cơ hội tham gia sâu vào khâu sản xuất vi mạch, trước hết là tập trung vào các công nghệ chế tạo vi mạch được sử dụng phổ biến để từng bước tiếp thu và làm chủ công nghệ sản xuất vi mạch.

TS. Anh Thi cũng nhấn mạnh, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, cấu phần quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch bán dẫn và tập trung thu hút các dự án đầu tư xoay quanh những khâu và công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh và giúp Việt Nam có thể nâng cấp năng lực công nghệ, mà cụ thể là tiếp thu, ứng dụng và sáng tạo công nghệ.

Đáng chú ý, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đồng thời tăng cường đầu tư cho đào tạo, khoa học và công nghệ và thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại các nước tiên tiến, đặc biệt là tại thung lũng Silicon trở về trong nước để tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.


Ông Đỗ Nhất Hoàng

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)

Việt Nam đã có những dự án FDI sản xuất chip, linh kiện và vật liệu bán dẫn. Đặc biệt, một số nhà đầu tư đã bắt đầu mở rộng sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực này, và khả năng sẽ tiếp tục đầu tư nhiều tỷ USD trong những năm tới. Để thu hút dòng vốn này, thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành những chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo.

Ông Hong Sun

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chip, chất bán dẫn, ngoài môi trường kinh doanh ổn định, nhiều ưu đãi, thì điều doanh nghiệp mong muốn là có nguồn điện sản xuất dồi dào và ổn định. Sản phẩm chip hay chất bán dẫn đều là những sản phẩm có giá trị rất cao. Trong quá trình sản xuất, nếu mất điện đột ngột thì dây chuyền sản xuất sẽ phải làm lại hoàn toàn và phải mất từ một tuần đến vài tháng. Điều này sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp hàng tỷ USD. Nếu địa phương không có nguồn điện đầy đủ và ổn định thì rất khó có thể thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

GS. Nguyễn Mại

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Tôi đánh giá thị trường sản xuất thiết bị chất bán dẫn ở Việt Nam sẽ rất sôi động trong năm 2023. Năm 2023, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm bán dẫn nguồn mà thế giới cần được sản xuất ở Việt Nam và cung cấp ra thị trường thế giới. Một bài báo của Pháp nói về Việt Nam là: Hãy tìm đến Việt Nam để đầu tư vào gia công số và phần mềm. Họ nhấn mạnh Việt Nam đủ điều kiện để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.

Nhật Linh