Trước những lo ngại về tác động tiêu cực có thể có của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, theo ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch HOREA, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA
Theo đó, thông tin với MaretTimes, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HOREA) ông Lê Hoàng Châu cho biết lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã có thông tin xác nhận với HOREA về việc chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh.
Theo ông Châu, trước đó, HOREA đã có nội dung kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nên sửa Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
“Nên xem xét điều chỉnh Thông tư 06/2023/TT-NHNN do dự án bất động sản, dự án PPP thì chỉ cần “đủ pháp lý” chứ không phải là phải “đủ điều kiện kinh doanh”, để các tổ chức tín dụng dễ hiểu, dễ làm và các chủ đầu tư không gặp trở ngại khi đề xuất vay tín dụng, để thực hiện quan điểm của Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ yêu cầu “Tất cả các chủ thể chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” và thực hiện Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/07/2023 của Chính phủ về chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả”, ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.
Doanh nghiệp lo ngại có thể thêm rào cản
Sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN được ban hành, các doanh nghiệp lo ngại Thông tư này có thể sẽ tạo ra rào cản khiến bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn.
Theo các doanh nghiệp, hai nội dung bất cập nổi bật được chỉ ra đó là: Tăng thêm các trường hợp không được vay vốn và chưa rõ ràng về điều kiện vay. Điều này sẽ tiếp tục gây ách tắc, ảnh hưởng tới nguồn cung và khả năng mua nhà của người dân.
Theo HOREA, Thông tư đã dựng thêm "rào chắn" tiếp cận tín dụng so với trước đây, do đã quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay, sẽ dẫn đến tình trạng một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư sẽ không tiếp cận được tín dụng.
Trong đó, nổi bật nhất quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Về bản chất, đây chính là hoạt động M&A.
Một nội dung khác tại Thông tư 06 cũng đang khiến các doanh nghiệp bất động sản bối rối, không biết hiểu như thế nào cho đúng đó là quy định: Không cho vay để thanh toán tiền góp vốn với các dự án "không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh"… Sẽ có 2 cách hiểu: Một là dự án không đủ điều kiện pháp lý và hai là dự án không đủ điều kiện mở bán.
Theo đại diện một doanh nghiệp bất động sản, khi triển khai dự án, thông thường doanh nghiệp sẽ có vốn để triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Riêng nguồn tiền này, bắt buộc chủ đầu tư phải có. Tuy nhiên, đến lúc làm hạ tầng thì tiền đó doanh nghiệp cần ngân hàng và trước nay vẫn được ngân hàng tạo điều kiện. Nhưng với Thông tư 06 lại không rõ ràng.
"Tôi e là điểm này chỉ khiến thị trường phân vân và việc vận dụng cho các hợp đồng góp vốn sẽ rất khó khăn", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết.
Thực tế từ trước đến nay, giả sử với dự án chung cư, các chủ đầu tư chỉ cần hoàn thành phần móng là được phép bán cho khách hàng. Còn người mua có thể dùng hợp đồng ký với chủ đầu tư để vay tiền ngân hàng theo hình thức trả góp. Chính nguồn tiền này sẽ giúp chủ đầu tư hoàn thiện dự án, bàn giao nhà cho người dân.
Nhưng nay, các doanh nghiệp cho rằng, các quy định trong Thông tư 06 cần làm rõ ràng về mặt câu chữ, nếu không rất có thể mỗi ngân hàng hiểu theo một cách khách nhau sẽ khiến chủ đầu tư không huy động được vốn, đồng nghĩa với việc họ phải tự bỏ vốn ra để hoàn thành dự án và sau đó mới bán được hàng. Điều này, có thể là nhiệm vụ bất khả thi với đại đa số doanh nghiệp, vì con số để hoàn thành dự án phải từ hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng.
Từ những khó khăn có thể có khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi khoản 8, 9, 10 điều 8 Thông tư 39/2016 đã được sửa đổi trong Thông tư 06.
“Nếu không sửa ở thời điểm này thì đến 1/9, rõ ràng việc tiếp cận tín dụng của rất nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế rất khó khăn", ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.
Lê Sáng