Các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên ngày 16/8 do những lo ngại về kinh tế Trung Quốc và sau số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ mạnh hơn dự kiến làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,5% xuống 31.766,82 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,4% xuống 18.318,01 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,8% xuống 3.150,13 điểm.
Chứng khoán Seoul và Sydney giảm hơn 1%, và chứng khoán Đài Bắc, Singapore, Bangkok và Jakarta cũng giảm. Chỉ có riêng chứng khoán Manila tăng, còn chứng khoán Kuala Lumpur đi ngang.
Doanh số bán lẻ tháng 7/2023 bật tăng nhờ lực đẩy từ chi tiêu trực tuyến, cho thấy hoạt động tiêu dùng vẫn mạnh hơn dự dự kiến ngay cả khi nền kinh tế Mỹ chững lại.
Ngoài ra, bình luận từ Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cũng làm tăng thêm lo ngại rằng kế hoạch lãi suất của Fed vẫn chưa kết thúc. Mặc dù lạm phát đang đi đúng hướng, nhưng nó vẫn cao hơn mức mục tiêu của Fed và vẫn còn quá sớm để tuyên bố một chiến thắng.
Ông Kashkari cho biết ông sẽ cần thêm “bằng chứng thuyết phục” rằng lạm phát đang giảm xuống mức mục tiêu 2% của Fed và ngân hàng này còn một chặng đường dài để cắt giảm lãi suất.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 7/2023 của Fed, sẽ được công bố vào cuối ngày 16/8 (giờ địa phương), các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm thông tin chi tiết về triển vọng lãi suất của Fed.
Nhà phân tích Stephen Innes của SPI Asset Management cho hay hầu hết thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm do điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi ở Trung Quốc.
Cơ quan Thống kê quốc gia (NBS) ngày 16/8 công bố số liệu cho thấy giá nhà mới tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 7/2023, một dấu hiệu nữa cho thấy các vấn đề mà lĩnh vực bất động sản đang ngập trong nợ và nền kinh tế nói chung đang phải đối mặt.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố một loạt số liệu về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp đều thấp hơn mức dự kiến.
Một số ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc sau các số liệu trên, trong đó JPMorgan Chase đã cắt giảm ước tính cho năm 2023 xuống còn 4,8%, thấp hơn nhiều so với dự báo 6,4% đưa ra trong tháng 5/2023. Ngân hàng Barclays cũng hạ ước tính của mình xuống 4,5%.
Dữ liệu gần đây cho thấy Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% chính thức đã đề ra trong năm nay. Theo số liệu chính thức, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,8% trong nửa đầu năm 2023.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 9,21 điểm (0,75%) lên 1.243,26 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,11 điểm (0,44%) lên 252,56 điểm.