• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 6:35:01 SA - Mở cửa
Thị trường chăm sóc người bệnh vẫn mênh mông
Nguồn tin: Saigon Times | 23/08/2023 7:45:00 SA
Các bệnh viện lớn nhỏ tại Việt Nam đang quá tải. Tỷ lệ điều dưỡng trên mỗi bác sĩ tại Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới, dù rằng họ gánh vác đến 70% khối lượng công việc tại bệnh viện. Các dịch vụ chăm sóc người bệnh tư nhân hiện mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và người nhà, góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế công, gia tăng hiệu quả điều trị…
 
Dịch vụ chăm sóc người bệnh ở các thành phố lớn như TPHCM hình thành tự phát từ hàng chục năm nay, phí dịch vụ thường ở mức vài trăm ngàn đồng, cá biệt lên đến 1,5-2 triệu đồng/ngày. Ngày cuối tuần và ngày lễ, như Tết Nguyên đán chẳng hạn, giá sẽ tăng vài lần, có khi hơn mười lần. Một số dịch vụ mới ra đời gần đây đã chứng minh hiệu quả của các mô hình mới.
 
 
Mô hình công nghệ y tế Wecare 247
 
Trong một góc của phòng cấp cứu hồi sức khoa ngoại thần kinh của một bệnh viện công, bà Liên đang chăm sóc cho một nam bệnh nhân ở độ tuổi 30 từ Đồng Nai, bị tai biến mạch máu não. Bệnh nhân đau đớn, la hét và bỏ ăn. Bà nhẹ nhàng khuyên nhủ và vỗ về; cùng lúc bà chỉ cho người nhà bệnh nhân cách thay tã nhanh, đỡ tốn công, cách đoán biết ý người bệnh…
 
Bà Liên ở độ tuổi U60, nguyên là một giáo viên ở Vĩnh Long, đã về hưu. Một biến cố gia đình năm 2019 đã run rủi bà bén duyên với nghề chăm sóc và nuôi người bệnh. Bà nói mức lương 600.000 đồng/ngày (từ 12 giờ trưa đến 6 giờ sáng hôm sau) giúp bà trang trải nợ nần và các chi phí cho gia đình, đồng thời gắn bó với nghề mới sau khi nghỉ hưu, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nơi nào cũng cần người chăm sóc người bệnh.
 
Cái khó cái cực của nghề, theo lời bà, là phải chăm sóc các nam bệnh nhân cao lớn. Cực hơn là vừa phải chăm sóc người bệnh, vừa phải né tránh bảo vệ của bệnh viện luôn kiểm tra người nuôi bệnh không đúng quy định (bệnh viện chỉ cho phép duy nhất một người nhà của người bệnh vào thăm nom, chăm sóc).
 
Bà Liên là một trong hàng ngàn chăm sóc viên đang làm việc cho Wecare 247, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc y tế (med tech) thành lập năm 2017. Trong một lần vào thăm mẹ đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 tại TPHCM, anh chàng Nguyễn Minh Tâm đã nhận ra nhu cầu chăm sóc người bệnh tại các đô thị lớn như TPHCM là rất lớn. “Bởi con cái của người bệnh ở cái thành phố rộng lớn này, ai cũng bận rộn kiếm tiền, bươn chải”, như ông Francesco Liêng Trần, Tổng giám đốc Vinacacao, từng nói.
 
Wecare 247 được thành lập như là mô hình mới về dịch vụ người nuôi bệnh – kết nối và hình thành đội ngũ người nuôi bệnh một cách chuyên nghiệp, lành nghề tại TPHCM qua trang mạng hoặc ứng dụng (app).
 
Cuối năm 2020, Wecare 247 là một trong 13 công ty khởi nghiệp xuất sắc được chương trình Grab Ventures Ignite trao thưởng và được các nhà đầu tư rót vốn. Dù là gương mặt rất mới trên thị trường, theo lời CEO Nguyễn Minh Tâm, thời điểm đó Wecare 247 đã quy tụ hơn 1.000 người nuôi bệnh và có mặt ở khắp 15 bệnh viện ở TPHCM và Hà Nội.
 
Bước sang năm thứ sáu, quy mô của Wecare 247 mở rộng hơn trước, có mặt tại 33 bệnh viện lớn với hơn 1.800 chăm sóc viên được đào tạo có hệ thống và bài bản. Ngoài dịch vụ chăm sóc người bệnh, Wecare 247 còn có dịch vụ “bác sĩ và điều dưỡng tại nhà”. CEO Nguyễn Minh Tâm nói: “Wecare 247 định nghĩa lại tiêu chuẩn ngành chăm sóc sức khỏe cá nhân”.
 
Dịch vụ này tuyển người có kinh nghiệm ít nhất hai năm và cả những người chưa có kinh nghiệm nhưng sẵn lòng theo học các khóa đào tạo, chấp nhận làm theo giờ để thực tập, kiểm tra tay nghề. Họ cũng đặt ra tiêu chí chỉ tuyển người còn đủ sức khỏe (nữ dưới 55 tuổi, nam dưới 60 tuổi), có hồ sơ lý lịch rõ ràng, có bằng cấp chứng chỉ, tuân thủ các quy định của công ty (mặc đồng phục, không từ chối ca giao, không vòi vĩnh, không trộm cắp…).
 
Wecare 247 thu phí nuôi người bệnh là từ 500.000 đồng/ngày. Công ty giữ lại 15-20% nhằm trang trải cho chi phí tìm kiếm khách hàng, duy trì việc làm liên tục cho người nuôi bệnh ít nhất 25 ngày trong tháng, giúp họ có thu nhập trung bình hàng chục triệu đồng mỗi tháng, phí đào tạo, thuê phòng trọ cho nhân viên nghỉ giữa ca…
 
Ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, nói rằng 60-70% công việc của bệnh viện là do điều dưỡng cáng đáng. Khối lượng công việc của họ nhiều nhất, trực tiếp nhất, thường xuyên nhất, là người đầu tiên và cuối cùng đối với bệnh nhân khi vào viện và ra viện.
 
Thu nhập rất thấp, từ 7-8 triệu đồng mỗi tháng, đã khó giữ chân các điều dưỡng viên giỏi, có kinh nghiệm, trong khi đó việc tuyển mới rất khó khăn. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân.
 
Trên thế giới, cứ một bác sĩ cùng làm với 3-4 nhân viên điều dưỡng, riêng Nhật Bản đến 9-10 điều dưỡng. Tại Việt Nam, tỷ lệ này rất thấp, một bác sĩ có chưa đến hai nhân viên điều dưỡng. Tình trạng này khiến công việc của các điều dưỡng, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến cuối, rất áp lực. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, số nhân viên điều dưỡng nghỉ việc tăng cao, càng gây thêm nhiều khó khăn.
 
Chẳng hạn, khoa hồi sức phẫu thuật tim tại 1 bệnh viện đa khoa hạng một tại TPHCM, trước đây có khoảng 26-27 nhân viên điều dưỡng, nay chỉ còn 13 người. Nhân viên điều dưỡng nghỉ việc rải rác trong ba năm qua, một số chuyển qua bệnh viện tư nhân, một số ít chuyển nghề khác như phụ giúp công việc của gia đình, bán hàng online…
 
Theo Tổng cục Thống kê, tổng số giường bệnh của Việt Nam là hơn 323.800 giường, không bao gồm giường bệnh thuộc tuyến trung ương. Đó là chưa kể mỗi giường nằm từ 2-3 bệnh nhân do tình trạng quá tải thường xảy ra ở các bệnh viện lớn.
 
Đa dạng dịch vụ chăm sóc người bệnh
 
Lực lượng chăm sóc viên của Wecare 247 cùng các công ty dịch vụ chăm sóc người bệnh khác đã góp phần “trám” vào chỗ hổng khổng lồ. Ước tính, cả nước có khoảng 50.000 người nuôi bệnh. Đội ngũ này đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm qua nhưng mang tính tự phát và nghiệp dư, dựa trên các mối quan hệ cá nhân, chưa có tính cam kết cao. Họ là những người lớn tuổi ở quê lên TPHCM chăm sóc người thân và được giới thiệu ở lại làm việc.
 
“Chính vì không được ai quản lý, đào tạo và hỗ trợ, nên họ bị áp lực với cò mồi, bảo kê và dễ gây nên mất an ninh trật tự”, Nguyễn Minh Tâm nói.
 
Số công ty chuyên nghiệp hiện đông dần, có thể kể đến Medic Viet, Medi Health Care, Vina Healthcare, H.S.S, Tâm & Đức, Nhân Ái, Việt Mỹ, Trí Đức, Phương Nam, Hoàng Phúc, Bách Nghệ…
 
Có công ty chuyên dịch vụ việc nhà, nhưng lấn sân sang chăm sóc người bệnh. Chẳng hạn Tâm & Đức chú trọng mảng giúp việc, quản gia, chăm sóc người già… Hoặc như Trí Đức, cung cấp dịch vụ giữ trẻ, giúp việc, chăm người già, nuôi người sinh em bé… Kiểu như Vina Health chuyên cung cấp điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh tại nhà…
 
Một số bệnh viện tuyến quận hay bệnh viện tuyến cuối đã kết hợp với công ty tư nhân cung cấp dịch vụ người nuôi bệnh. Điều bất hợp lý mà nhiều người trong cuộc nhận ra nhưng không lên tiếng là: khách tín nhiệm người nuôi bệnh này mà bệnh viện đó có dịch vụ nuôi bệnh riêng thì người nuôi bệnh được tín nhiệm trở thành “bất hợp pháp” và bị y bác sĩ và bảo vệ của bệnh viện nơi đó xua đuổi.
 
Một mô hình dịch vụ người nuôi bệnh chuyên nghiệp có cấp thẻ hành nghề, với các quy trình rõ ràng về chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi bệnh nhân và các đầu mối như bệnh viện và y bác sĩ là rất cần thiết. CEO Nguyễn Minh Tâm của Wecare 247 nói rằng cần có thời gian dài để “thiết lập thói quen của khách hàng, xây dựng nền tảng và hệ sinh thái mới”.
 
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, nói rằng chuyên nghiệp hóa nghề nuôi người bệnh là bước đi cần thiết, có nhiều lợi ích, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn, với thời gian điều trị rút ngắn, đỡ tốn chi phí hơn cho bệnh nhân lẫn quỹ bảo hiểm y tế, góp phần giảm áp lực, quá tải cho các bệnh viện.