Ngày 3/8, Saudi Arabia và Kuwait tuyên bố, mỏ khí đốt mà Iran vừa tuyên bố chủ quyền chỉ thuộc sở hữu duy nhất của hai quốc gia này.
Mỏ khí đốt Arash/Al-Durra là nơi Saudi Arabia, Kuwait và Iran tranh chấp trong nhiều năm nay. (Nguồn: AFP)
Mỏ khí đốt ngoài khơi này từ lâu đã trở thành tâm điểm tranh chấp giữa ba quốc gia. Trước đây, Iran từng tuyên bố chủ quyền đối trong một cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập niên và đặt tên mỏ là Arash, trong khi phía Kuwait và Saudi Arabia gọi là Al-Durra.
Trong tuyên bố chung hôm 3/8, Kuwaiti và Saudi Arabia khẳng định: “Chỉ chúng tôi mới có đầy đủ quyền chủ quyền để khai thác trong khu vực đó”. Bên cạnh đó, hai quốc gia Arab đã một lần nữa kêu gọi Iran đàm phán phân định biên giới trên biển nhằm giải quyết vấn đề.
Nhiều năm qua, những cuộc đàm phán giữa Iran và Kuwait về khu vực biên giới tranh chấp trên biển - nơi giàu tài nguyên khí đốt tự nhiên, đều không đạt được kết quả. Những nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình đàm phán cũng thất bại.
Trước đó, ngày 30/7, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cho biết, Tehran có thể theo đuổi dự án khai thác tại mỏ khí đốt này ngay cả khi ba bên không đạt được thỏa thuận.
Sau khi Iran tuyên bố sẵn sàng triển khai hoạt động khoan thăm dò tại mỏ khí đốt này trong tháng 7 vừa qua, Kuwait đã mời Tehran tham gia vòng đàm phán khác về biên giới trên biển.
Theo đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Saad Al-Barrak thông báo rằng, nước này cũng sẽ bắt đầu “khoan và sản xuất” tại mỏ khí đốt mà không cần chờ đợi thỏa thuận phân định ranh giới với Iran.
Tranh chấp liên quan tới mỏ Arash/Al-Durra bắt đầu từ những năm 1960, khi Kuwait trao nhượng quyền khai thác mỏ này cho Anglo-Iran Petroleum - công ty sau này là tiền thân của BP, trong khi Iran ký nhượng quyền cho Royal Dutch Shell.
Đáng chú ý, hai khu khai thác nhượng quyền này chồng lấn lên nhau ở phần phía Bắc của mỏ có trữ lượng ước tính khoảng 220 tỷ mét khối.
Năm 2022, Kuwait và Saudi Arabia ký một thỏa thuận phát triển khu vực này, dù Tehran phản đối mạnh mẽ và nhận định thỏa thuận này là “bất hợp pháp”.